Tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đại diện Bộ Y tế thông tin dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và ghi nhận số mắc tăng rất cao tại nhiều quốc gia, trong đó Châu Mỹ và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất. WHO dự báo thời gian tới tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp với số mắc hàng tuần ghi nhận ở mức cao.
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông tin, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong tại TP.HCM (10), Bình Dương (9), Đồng Nai (5), Tây Ninh (4), Bình Phước (4), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Bạc Liêu (2), Bà rịa Vũng tàu (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Gia Lai (1), Hậu Giang (1), Sóc Trăng (1), Long An (1).
So với cùng kỳ 2021 (42.587/14), số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, phân tích 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ em gần đây ghi nhận 72,2% gặp ở trẻ thừa cân béo phì và 77,8% gặp ở trẻ trên 6 tuổi.
Cụ thể, trong số 18 ca trẻ em tử vong, tỉ lệ nam/nữ là 11/7 (nam mắc, tử vong chiếm nhiều hơn nữ). Chẩn đoán cuối cùng là sốc sốt xuất huyết chiếm 77,8%. Chẩn đoán đi kèm có xuất hiện suy đa tạng (12 trường hợp), nhiễm trùng huyết (5 trường hợp) và xuất huyết (4 trường hợp). Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%. Chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.
Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng thông tin trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến số mắc, tử vong tăng.
Cũng tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm đưa ra các giải pháp để đối phó với dịch sốt xuất huyết. Đó là theo dõi chặt chẽ tình hình dịch trên toàn quốc; cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết; triển khai giám sát, điều tra dịch và tổ chức xử lý kịp thời; phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực nguy cơ.
Chúng ta cũng phải chuẩn bị tốt việc thu dung điều trị; đảm bảo thuốc, cơ số phòng chống dịch; thực hiện phân loại, phân tuyến điều trị tránh quá tải và hạn chế tử vong; tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn công tác điều trị. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ công tác phòng chống sốt xuất huyết của Chính phủ và Bộ Y tế. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để phối hợp tuyên truyền; tổ chức triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đưa ra 10 giải pháp cơ bản giảm tử vong do sốt xuất huyết:
1. Tập huấn, đào tạo cho nhân viên mới, cập nhật tập huấn nhắc lại cho nhân viên cũ.
2. Đào tạo nâng cao cho nhân viên y tế có tiếp nhận điều trị người bệnh sốt xuất huyết nặng. Sốt xuất huyết nặng trên một số cơ địa đặc biệt như tăng huyết áp, thừa cân/ béo phì, phụ nữ có thai.
3. Tập huấn chăm sóc và theo dõi người bệnh cho điều dưỡng
4. Tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện.
5. Thực hành chuyển viện an toàn
6. Truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết để cho người bệnh nhập viện kịp thời.
7. Thiết lập nhóm điều trị sốt xuất huyết và duy trì hoạt động nhóm, hội chẩn, trao đổi thường xuyên.
8. Giám sát điều trị sốt xuất huyết bao gồm bệnh viện tư, phòng khám tư, lưu ý vấn đề truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết.
9. Thiết lập đường dây nóng kênh hỗ trợ từ xa.
10. Đảm bảo đủ thuốc, vật tư, dịch truyền và thiết bị cho công tác điều trị.