Ngày 19/11, Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhi 2 ngày tuổi (ở Nam Định) trong tình trạng suy hô hấp, nhịp tim không ổn định, đồng tử co nhỏ, theo dõi ngộ độc sái thuốc phiện.
Theo lời kể của người nhà, khi sinh hai con đầu lòng, gia đình làm theo mẹo dân gian là dùng sái thuốc phiện cho trẻ uống để "chắc dạ". Cụ thể gia đình dùng một đầu tăm pha vào sữa cho trẻ uống.
Thấy các con dùng mẹo này đều khỏe mạnh, ăn uống tốt, không gặp vấn đề về đường ruột, gia đình tiếp tục áp dụng cho bé út. Tuy nhiên, sau khi uống sái thuốc phiện, trẻ ngủ không yên, thỉnh thoảng khóc ré lên.
Trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi tại bệnh viện. |
Sau khoảng 2 tiếng, quan sát thấy trẻ thở yếu hơn, người nhà vội vàng đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nam Định. Trẻ nhanh chóng được hô hấp hỗ trợ, tiêm thuốc giải ngộ độc và chuyển đến Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguyên nhân gây tình trạng suy hô hấp là độc chất Opioids được tìm thấy trong cơ thể trẻ. Do tác dụng của sái thuốc phiện vẫn còn, trẻ tiếp tục có cơn tím tái, có cơn ngừng thở. Các bác sĩ đã thực hiện cấp cứu, cho trẻ thở máy, dùng thêm thuốc kháng (Naloxone) để giải ngộ độc, giảm các tác động của độc chất vào trung tâm thần kinh của trẻ.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhi tạm ổn định, trẻ thở đều hơn, nhịp tim bình thường, không còn cơn rung giật nhưng vẫn cần theo dõi thêm.
Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo nhưng tình trạng bệnh nhi nhập viện do phụ huynh tùy tiện dùng mẹo dân gian để chữa bệnh cho trẻ vẫn diễn ra. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 9-10 trẻ sơ sinh nhập viện trong tình trạng ngộ độc, chủ yếu là ngộ độc sái thuốc phiện, thuốc nam.
Theo ThS.BS Chu Lan Hương – Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Khám bệnh Cấp cứu, Trung tâm Sơ sinh, việc sử dụng các mẹo dân gian hoặc thuốc nam không rõ thành phần cho trẻ là vô cùng nguy hiểm. Đây là những quan niệm chưa có căn cứ khoa học và có thể để lại những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe của trẻ, thậm chí có thể tử vong.
Các bậc phụ huynh không nên mạo hiểm sử dụng các loại thuốc “truyền miệng” cho trẻ sơ sinh, vì trong thành phần của những loại thuốc này có thể chứa các chất khiến cho trẻ bị ngộ độc, ức chế hô hấp, ức chế thần kinh, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng của trẻ.
Cha mẹ cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin và các chứng cứ khoa học chính thống về các phương pháp điều trị dân gian trước khi áp dụng cho con. Để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào cho trẻ.
Trước đó, vào chiều 5/11, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.A. (8 tháng tuổi, trú tại Quỳnh Lưu) bị bỏng cháo nóng từ trên ngực xuống bàn chân. Được biết khi con bị bỏng, gia đình này cũng đem bé tới thầy lang chữa mẹo bằng cách dùng lông động vật (phần nhiều là lông chó) đắp lên vết bỏng.
Sau bước điều trị của thầy lang, gia đình mới đưa bé T.A. nhập viện. Các bác sĩ nhận định rõ nguy cơ nhiễm trùng do cách sơ cứu phản khoa học trên.
Theo các bác sĩ, việc gia đình nghe theo lời truyền miệng áp dụng vào việc chăm sóc, chữa trị cho con rất nguy hiểm. Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng cơ bản về y tế nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Ngọc Trang
6 dấu hiệu nhận biết tình trạng yếu sinh lý, nam giới phải lưu ý
Yếu sinh lý là tình trạng dương vật khó cương cứng hoặc chỉ có thể cương cứng được trong thời gian ngắn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục của nam giới và có thể dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị sớm.