Khởi nguồn từ việc ứng dụng trên các thiết bị di động, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đang dần được phát triển trên nhiều lĩnh vực trong nước.

AI ứng dụng rõ nhất trong camera smartphone. Nhờ các thuật toán này, hình ảnh chụp được tối ưu cho phù hợp từng điều kiện khác nhau. Ánh sáng, độ tương phản, độ chi tiết, màu sắc của ảnh trên smartphone được can thiệp bằng trí tuệ nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn để cho chất lượng tốt nhất.

Các công nghệ tiên tiến này cũng được ứng dụng rộng trên Facebook, Google, Netflix và nhiều nền tảng khác trong việc đưa ra các gợi ý, đề xuất.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã khai thác điểm mạnh của AI và đưa vào những sản phẩm đã có mặt trên thị trường.

{keywords}
Ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch BKAV tại sự kiện Tech Awards 2020. 

Tại sự kiện Tech Awards 2020 do báo VnExpress tổ chức ngày 8/1, ông Vũ Thanh Thắng - Phó chủ tịch BKAV - cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư mạnh mẽ để phát triển AI. Năm 2020, Mỹ dành 4,9 tỷ USD nghiên cứu lĩnh vực này, trong khi Trung Quốc bỏ số tiền khoảng 10 tỷ USD.

Riêng BKAV đang sản xuất các camera thông minh. Nhờ giải pháp AI, chi phí đầu tư camera và sử dụng băng thông Internet giảm, phù hợp cho việc xây dựng đô thị thông minh và smarthome.

Ông Thắng dẫn số liệu cho thấy, thị trường camera thông minh có quy mô tương đương 25-30% so với smartphone. Tại Việt Nam trong năm 2020 có 2,6 triệu camera, trong đó số lượng camera nhập khẩu chiếm 1,5 triệu chiếc. Dự báo trên toàn cầu có thể lên 1 tỷ camera vào năm 2021. Đây là một thị trường rất lớn cho doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm.

Theo ông Thắng, camera AI hiện nay chủ động nhận diện, phát hiện hình ảnh theo thời gian thực, xử lý trực tiếp trên camera chứ không dùng máy chủ. Do đó, có thể phát hiện sự việc ngay lập tức, đồng thời tiết kiệm dữ liệu truyền về.

Giả sử với 1.000 camera thông minh, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 1,5 tỷ đồng, tốn băng thông 0,46Gb/s. Trong khi đó, 1.000 camera thông thường sẽ tốn khoản tiền 24 tỷ đồng, chiếm băng thông tương đương 3,5Gb/s. Tính tổng chi phí đầu tư hàng năm tiết kiệm xấp xỉ 7 lần.

Để tạo được hệ sinh thái nhiều sản phẩm và giải pháp khác nhau dựa trên camera thông minh, ông Thắng cho biết, đang chuẩn bị cung cấp nền tảng mở của BKAV để các doanh nghiệp vận hành sản phẩm và dịch vụ trên đó. Chỉ khi tạo được cộng đồng cung cấp nhiều giải pháp khác nhau mới đáp ứng và kích thích nhu cầu sử dụng của thị trường.

{keywords}

Bà Nguyễn Huyền My - Giám đốc tiếp thị ngành hàng điện tử nghe nhìn Samsung Vina.

Ở góc độ sản phẩm đầu cuối, bà Nguyễn Huyền My – Giám đốc Tiếp thị ngành hàng điện tử nghe nhìn Samsung Vina – khẳng định AI đang giúp phát triển nhiều tính năng trên sản phẩm smarthome tại Việt Nam.

Chẳng hạn, TV trang bị AI có thể tự nâng chất lượng hình ảnh, như FullHD lên 4K, để trải nghiệm người dùng tốt hơn. Đồng thời loa phát ra có thể dựa theo thể loại nhạc hay môi trường chung quanh để điều chỉnh thông số cho phù hợp.

Các thiết bị thông minh trong nhà hiện nay có thể được trang bị cảm biến để phát hiện thiết bị nào chưa tắt, hoặc phát hiện người lạ xâm nhập vào nhà.

Bà My dẫn số liệu cho thấy có đến 80% người Việt hiện nay dùng TV thông minh để xem nội dung trực tuyến, cao thứ 4 thế giới. 90% người dùng sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cùng lúc, trong đó có 13% người Việt có sử dụng các thiết bị smarthome kết nối với nhau. Với số lượng thiết bị nhiều như vậy, bà Huyền My cho biết cần có giải pháp để các thiết bị này hiểu nhau hơn và hiểu người dùng hơn.

{keywords}
Đại diện Lazada nói về việc ứng dụng AI vào trải nghiệm người dùng.

Ông Trần Thế Toàn, Phó giám đốc công nghệ mảng di động Lazada Việt Nam, cho biết AI có thể tối ưu các kết quả tìm kiếm của khách hàng, khiến tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng tăng lên 20%. Hiện nay, người dùng có thể tìm kiếm cả bằng giọng nói lẫn hình ảnh. Chẳng hạn, có thể chụp ảnh một sản phẩm và tải lên phần tìm kiếm ảnh của ứng dụng thương mại điện tử nhằm tìm kiếm các sản phẩm tương tự.

Bên cạnh đó, AI sẽ dựa trên thói quen mua sắm và tìm kiếm của khách hàng để đề xuất sản phẩm liên quan lẫn cá nhân hoá các mặt hàng xuất hiện trên ứng dụng.

AI có thể dự báo chính xác 96% thời gian nhân viên giao nhận đến cửa hàng để lấy sản phẩm. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng có thể đề xuất sản phẩm liên quan trong các livestream bán hàng, giúp tăng tỷ lệ mua hàng của khách.

Bên cạnh đó, áp dụng trí tuệ nhân tạo cũng tăng hiệu quả của quy trình giao hàng, chẳng hạn như xác định được chính xác đường đi của gói hàng theo thời gian thực. Việc này giúp tối ưu hoá quy trình, giảm được 25% chi phí giao nhận cho Lazada 8 tháng đầu năm 2020.

{keywords}
Tự động hoá việc chấm công giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nhân sự.

Trong lĩnh vực quản lý nhân sự, AI đang được áp dụng để thay cho các công việc chấm công. Ông Trần Viết Quân, sáng lập nền tảng Tanca.io, cho biết, các giải pháp của công ty đã giúp doanh nghiệp cải thiện thời gian làm việc 20% so với trước, thái độ và ý thức làm việc của nhân viên được tăng lên.

Để quản lý được số lượng nhân viên có mặt tại một công ty, đồng thời biết được thời gian ra/vào, thời gian làm việc của họ, nền tảng Tanca sử dụng smartphone của nhân viên để đánh giá.

Cụ thể, dựa trên GPS, chỉ những người có mặt trong bán kính nhất định ở công ty mới có thể dùng smartphone để chấm công. Tiếp đó, điện thoại phải kết nối với Wi-Fi định trước mới kết nối được hệ thống. Đồng thời, để gia tăng tính chính xác, người nhân viên phải chụp ảnh selfie bằng điện thoại để xác định đúng người.

Theo ông Quân, giải pháp này hiệu quả ngay trong giai đoạn Covid-19. Thời điểm dịch bệnh, nhiều người làm việc tại nhà, nền tảng này có thể giúp các công ty quản lý thời gian làm việc của nhân viên. Hệ thống cũng áp dụng được cho các nhân viên giao hàng, nhân viên đi thị trường, nhân viên sửa chữa,…

Ngoài ra, hệ thống chấm công bằng camera thông minh cũng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

“AI hầu như không có giới hạn trong việc tạo ra các trải nghiệm mới mẻ cho con người. Tuy vậy, trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là công cụ. Chỉ có con người với cảm xúc và sự quan sát của mình mới quản lý được con người một cách tốt nhất”, ông Quân kết thúc phần trình bày của mình.

Bài, ảnh: Hải Đăng

Ứng dụng AI ở Việt Nam: Cần cộng đồng doanh nghiệp lớn

Ứng dụng AI ở Việt Nam: Cần cộng đồng doanh nghiệp lớn

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nêu 3 yếu tố quan trọng, trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam.