Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh,
Thưa các đồng chí,
Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy chào mừng các đồng chí về dự Hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2022, xin gửi tới các đồng chí lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí,
Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là: tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đấu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố…
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2021 phải “giảm số lượng thôn, tổ dân phố”, đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp đối với chính quyền địa phương là: “Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước”.
Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu: “Các địa phương có trách nhiệm: … Xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền và triển khai… sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định (thực hiện từ năm 2018)”.
Ngày 03/12/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 04/2012/TT-BNV, ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó đã bổ sung điều kiện sáp nhập thôn, tổ dân phố là: “Đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này thì phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; Đối với các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này ở những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập…”
Khoản 1 Điều 7 Thông tư 14 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về Quy mô số hộ gia đình như sau: - Thôn ở xã thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có từ 300 hộ gia đình trở lên; - Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có từ 350 hộ gia đình trở lên.
Để triển khai nhiệm vụ này, trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, ngày 13/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 280-TB/TU về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022, trong đó yêu cầu đối với các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% tiêu chí theo quy định thì thực hiện sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề; khuyến khích các thôn, tổ dân phố đạt từ 50% quy mô số hộ gia đình trở lên thực hiện sáp nhập ở những nơi đủ điều kiện. Thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 19/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021 - 2022 và hôm nay UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện.
Thưa các đồng chí,
Các đồng chí đã biết, thôn (xóm), tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nhưng có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi vì đây là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện đúng, đầy đủ mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao, hay nói cách khác là nơi trực tiếp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Vì vậy, tổ chức, sắp xếp thôn (xóm), tổ dân phố hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là việc làm cần thiết, quan trọng, góp phần đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cấp xã. Đề nghị các đồng chí quán triệt đầy đủ mục đích thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt, đó là:
(1)- Triển khai sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố là thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(2)- Sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm chi ngân sách nhà nước tăng nguồn lực chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
(3)- Xây dựng quy mô thôn (xóm), tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý, năng lực cán bộ cơ sở; phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng khu dân cư; khắc phục sự manh mún, chia cắt trong tổ chức các thôn (xóm), tổ dân phố theo quy mô hiện tại.
Thưa các đồng chí,
Trước đây, các thôn (xóm) ở tỉnh ta được tổ chức theo mô hình Đội sản xuất nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố (2.905 thôn, xóm và 769 tổ dân phố), với 614.646 hộ gia đình; tổng số người đang làm việc tại các thôn (xóm), tổ dân phố là 26.308 người; trong đó, người hoạt động không chuyên trách (Bí thư chi bộ, Trưởng thôn - Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận) là 7.964 người; các chức danh khác (công an viên, bảo vệ dân phố, trưởng các đoàn thể, nhân viên y tế tại các tổ dân phố) là 18.344 người).
Theo quy định hiện hành (Thông tư số 14/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), tỉnh Nam Định có 1.859 thôn (xóm), tổ dân phố phải thực hiện sáp nhập (1.293 thôn, xóm và 566 tổ dân phố). Đây là những thôn (xóm), tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định (tức là thôn (xóm) có dưới 150 hộ, tổ dân phố có dưới 175 hộ). Khi sáp nhập dự kiến sẽ dôi dư khoảng 12.000 người (người hoạt động không chuyên trách khoảng 3.500 người, các chức danh khác khoảng 8.500 người).
Trường hợp các địa phương quyết tâm cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ triển khai sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố thuộc diện khuyến khích sáp nhập (theo quy định của Trung ương và chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy), thì sẽ có thêm 283 thôn (xóm) được sáp nhập. Đây là những thôn (xóm) có chung truyền thống văn hóa (cùng làng hoặc đội sản xuất trước đây), có sự tương đồng về các giá trị tín ngưỡng, tôn giáo… Khi sáp nhập các thôn (xóm) này sẽ dôi dư khoảng 1.800 người (người hoạt động không chuyên trách khoảng 550 người, các chức danh khác khoảng 1.250 người).
Tóm lại, nếu chúng ta theo Phương án chỉ sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố bắt buộc phải thực hiện theo quy định thì tổng số thôn (xóm), tổ dân phố phải sáp nhập là 1.859 và dôi dư khoảng 12.000 người. Nếu thực hiện theo Phương án sáp nhập cả những thôn (xóm) thuộc diện khuyến khích sáp nhập thì tổng số thôn (xóm), tổ dân phố phải sáp nhập là 2.142 và dôi dư khoảng 13.800 người. Và sau khi sáp nhập sẽ giảm bớt số chi ngân sách đối với những người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở thôn (xóm), tổ dân phố.
Thưa các đồng chí,
Trong quá trình tiến hành sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố; yếu tố khác biệt về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; đặc điểm về tự nhiên, điều kiện địa lý, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa; tâm lý xáo trộn, e ngại của người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan, nếp sống sinh hoạt cộng đồng; tâm tư của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố khi không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ,… là những khó khăn, vướng mắc đặt ra ở cơ sở, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra trong việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2022; ngay sau Hội nghị này, tôi yêu cầu hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện tốt những nội dung sau:
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu, phải xác định việc tiến hành sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, quyết liệt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh.
Quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng quy định, quy trình, thủ tục, tiến hành từng bước, thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn; cân nhắc các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư, đặc điểm tự nhiên, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa,… để bảo đảm sự ổn định, có tính kế thừa và phát triển. Kịp thời báo cáo cấp trên khi phát sinh những vướng mắc, khó khăn để có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này.
Thứ hai, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn… đảm bảo việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Thứ ba, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh.
Chúng ta xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Tôi yêu cầu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có kế hoạch chủ động, tích cực tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú để cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh hiểu rõ, đồng thuận cao với chủ trương, kế hoạch triển khai sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở - nơi thực hiện sáp nhập phải phổ biến đến từng người dân về sự cần thiết, những lợi ích khi sắp xếp, tổ chức lại thôn (xóm), tổ dân phố; sẵn sàng giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan nhằm tạo sự đồng thuận cao với chủ trương này và trước hết cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong việc thực hiện. Mọi thông tin phải được công khai, minh bạch với người dân để tránh các xu hướng cục bộ “làng anh, xóm tôi”, “tộc anh, họ tôi” trong quyết định các vấn đề liên quan đến cộng đồng như: địa điểm đặt nhà sinh hoạt của thôn, nhân sự cấp ủy, ban nhân dân thôn, nhân sự trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố...
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng quy định đối với những người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố dôi dư sau khi sáp nhập. Đây là những người có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng, được nhân dân tín nhiệm bầu chọn, nhiều người đã đảm đương nhiệm vụ hàng chục năm, nay do thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại, không tiếp tục công tác nữa thì chúng ta nên có chính sách hỗ trợ phù hợp, làm tốt công tác tư tưởng, động viên, tạo sự đồng thuận. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp đối với các đồng chí tiếp tục làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố sau khi sáp nhập.
Thứ năm, Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND Tỉnh đã xác định rõ mốc thời gian hoàn thành từng nội dung công việc, tôi đề nghị các đồng chí tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, cụ thể là:
- Thời gian hoàn thành Phương án tổng thể của các huyện, thành phố chậm nhất là ngày 30/9/2021;
- Thời gian trình HĐND các xã, phường, thị trấn thông qua Đề án chi tiết chậm nhất là ngày 20/10/2021;
- Các huyện, thành phố hoàn thành việc thực hiện Phương án tổng thể, Đề án chi tiết sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/10/2021;
- UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định và thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Thứ sáu, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương trên. Hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập theo kế hoạch, UBND tỉnh cần tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Thưa các đồng chí,
Công tác sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố là việc khó, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người dân, những người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố, trong đó có nhiều đồng chí đã làm việc gắn bó lâu năm, thời gian triển khai thực hiện không nhiều; nhưng theo thông tin báo cáo, thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố, đến nay hầu hết các địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện, đặc biệt 11/12 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã triển khai thực hiện thành công.
Tôi tin tưởng rằng, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực, chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận cao của Nhân dân, việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2022 sẽ đạt được kết quả tốt, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một lần nữa, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Phạm Gia Túc
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định