lplz5gar7c75nr80xgnx7tcbneonw5yo.jpg
AI có thể trở thành trợ lý đắc lực cho các nhà khoa học trong tương lai.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm các chuyên gia từ Đại học Cambridge (Anh), đã khởi động một dự án nghiên cứu nhằm tạo ra một công cụ hỗ trợ AI chuyên phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học. Công cụ này sẽ dựa trên công nghệ tương tự như ChatGPT.

Trong khi ChatGPT hoạt động với văn bản, ứng dụng AI mới sẽ được đào tạo về dữ liệu số và mô phỏng vật lý thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Điều này sẽ giúp các nhà khoa học mô hình hóa các đối tượng nghiên cứu khác nhau, từ những ngôi sao siêu khổng lồ đến khí hậu Trái đất.

Dự án có tên là “Polymathic AI” và được công bố cùng lúc với việc xuất bản một số công trình liên quan trên kho dữ liệu mở arXiv (1, 2, 3).

Shirley Ho, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn điện toán của Viện Flatiron (Mỹ), cho biết: “Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn cách mọi người sử dụng AI và học máy trong khoa học”. Một trong những ý tưởng cốt lõi đằng sau “Polymathic AI” là việc sử dụng các mô hình lớn, được đào tạo trước có thể nhanh hơn và chính xác hơn so với việc xây dựng một mô hình khoa học từ đầu.

Nhóm nghiên cứu đã tập hợp các nhà khoa học từ các tổ chức khác nhau, gồm các chuyên gia về vật lý, vật lý thiên văn, toán học, AI và khoa học thần kinh. Dự án nhằm mục đích nghiên cứu dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau trong vật lý và vật lý thiên văn, và trong tương lai - hóa học và công nghệ gen. Mục tiêu của dự án là áp dụng kiến ​​thức đa ngành vào các vấn đề khoa học khác biệt.

Bất chấp những hạn chế của ứng dụng ChatGPT về độ chính xác (chẳng hạn như trong phép tính nhân), dự án “Polymathic AI” có kế hoạch sẽ tập trung giải quyết vấn đề này.

Shirley Ho nhấn mạnh tính minh bạch và cởi mở của dự án: "Chúng tôi muốn công khai mọi thứ, dân chủ hóa AI cho khoa học. Trong vài năm nữa, chúng tôi sẽ cung cấp cho cộng đồng một mô hình AI được đào tạo để có thể cải thiện năng lực phân tích khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.

(theo Securitylab)