Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng nhiễu động trên vùng biển phía đông của Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên thời tiết ở các tỉnh thành phía Nam những ngày tới vẫn có mưa rào nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to.
16h30 chiều 2/10, triều cường xuất hiện gây ngập đường Trần Xuân Soạn khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn.
Nước từ miệng cống và kênh, rạch gần đó tràn lên đường vào giờ tan tầm khiến người dân di chuyển vất vả.
Nhiều phụ huynh đón con em tan học bì bõm lội nước dắt xe về nhà.
Đoạn đường dài khoảng 300m từ gầm cầu Tân Thuận đến đoạn giao giữa Trần Xuân Soạn với Lâm Văn Bền bị ngập sâu từ 30-50cm.
Nhiều xe bị chết máy.
Đến 18h30, dòng nước vẫn đang tiếp tục dâng cao. Người dân sống tại các con hẻm trên đường Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát không còn lạ gì với cảnh nước triều từ kênh Tẻ dâng ngập lên mặt đường và tràn cả vào nhà.
"Cứ vào tháng 8, 9 và Tết âm lịch người dân ở đây sáng và chiều nào cũng lội nước. Đến khoảng 19h các ngôi nhà đều bị ngập nên tôi phải kê tấm bàn sẵn để ngăn bớt dòng nước", bà Tư sống trong hẻm 181 Trần Xuân Soạn nói.
Vào mùa triều cường, người dân sống trong hẻm đường Huỳnh Tấn Phát phải lội nước quanh năm. "Nước ngâm rất lâu, nhiều khi 5-7 tiếng mới rút", bà Lan ngán ngẩm nói.
Một căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nước ngập lênh láng. Mọi đồ vật trong nhà đều được kê cao trên 20cm. Theo chủ nhà, chờ nước ngưng cả gia đình sẽ phải dùng xô để đẩy hết nước ra ngoài.
Mưa lớn cả ngày kèm triều cường dâng cao khiến nước dâng lên, mang theo rác thải tràn ngập. Trong ba ngày tới, mực nước ở hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có khả năng xuống nhanh. Mực nước cao trên báo động 3 (1,6m) sẽ duy trì đến hết ngày 3/10.