Khởi nghiệp từ bán hàng qua mạng
Triệu phú công nghệ Vương Phạm (tên đầy đủ là Phạm Đình Quốc Vương, SN 1991) đang sinh sống tại Mỹ. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nhờ sự kiên trì và một chút liều lĩnh, Vương Phạm đã thành công xây dựng khối tài sản triệu đô.
Anh được nhiều người biết đến thông qua các video ghi lại cơ ngơi ở Mỹ và những thú vui bạc triệu nhưng có tính cách rất giản dị, thật thà trên mạng xã hội.
Bên cạnh vị trí CEO, Vương Phạm còn sở hữu các trang trại, bất động sản giá trị tại Mỹ và là tấm gương truyền động lực khởi nghiệp của người Việt tại xứ cờ hoa.
Nhân chuyến về thăm quê sau 3 năm vướng dịch Covid-19, Vương Phạm có cơ hội giới thiệu cơi ngơi khang trang của gia đình ở huyện Củ Chi (TP.HCM).
Vương Phạm chia sẻ trong chương trình Gõ cửa thăm nhà: “Năm 16 tuổi, tôi sang Mỹ du học. Dù học không giỏi nhưng tôi vẫn luôn mong muốn trở thành một kỹ sư, ngành gì cũng được”.
Thế nhưng, anh lại tìm được lối đi riêng là bán hàng qua mạng ở tuổi 18, bắt đầu từ những đồ chơi với số vốn 5 USD của người em họ.
“Lúc đó gia đình nói mình sao không đi làm nails hay phục vụ nhà hàng mà bán hàng qua mạng, không giống ai, tại thời đó ít ai làm lắm. Vương nhớ bán 2 tuần lãi được 5.000 USD. Lần đầu kiếm được tiền mình cũng hăm hở khoe với mẹ và em gái. Ủng hộ vậy chứ đến lúc làm ăn lỗ, nhà cũng la quá trời, nhưng mình vẫn cứng đầu không bỏ cuộc, làm không được thì làm lại”, triệu phú trẻ chia sẻ.
Thời điểm đó, công việc bán hàng qua mạng chưa quá phổ biến. Thế nhưng, Vương Phạm đã có thể kinh doanh phát đạt đến mức nguồn hàng không đủ để bán. Tuy nhiên, do không nắm rõ luật kinh doanh tại Mỹ, anh rơi vào khủng hoảng tột độ khi bị Sở Thuế “hỏi thăm”.
“Giai đoạn bán được nhiều hàng mà mình nghe theo Google nói là không cần kê khai thuế. Sau đó mới biết buôn bán online nhỏ thì không cần nhưng lên đến trên 10.000 USD là phải khai thuế. Đợt đó Sở Thuế vào kiểm tra, mình sợ lắm, sợ phải ở tù rồi mới về Việt Nam được. Qua lần đó, mình thuê công ty tư vấn, kê khai thuế đầy đủ”, Vương Phạm kể.
Nổi tiếng rất phiền phức
Cũng tại chương trình, Vương Phạm tiết lộ nhiều hơn về vợ hiền luôn đồng hành trong giai đoạn anh vừa không có tiền vừa bị lao xương.
Dù đã yêu đương với bạn gái từ lâu, nhưng sau 10 ngày liên tiếp được người yêu chăm sóc trong bệnh viện, doanh nhân trẻ xác định phải lấy cô gái này làm vợ. Hiện tại, cặp đôi đã có hai con nhỏ. Vợ của anh vừa hỗ trợ việc kinh doanh của chồng, vừa chăm lo cho con.
Có được người vợ làm hậu phương vững chắc, sự nghiệp của Vương Phạm không ngừng phát triển. Hiện tại, doanh nghiệp của nam triệu phú đã có trên dưới 250 nhân viên.
Khi công việc kinh doanh đang ổn định, Vương Phạm bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội và bị cộng đồng mạng tấn công. Niềm vui trở thành người nổi tiếng của anh chẳng mấy chốc đã tan biến.
Vương Phạm trải lòng: “Ban đầu, tôi cũng thích được nổi tiếng lắm nhưng bây giờ thì cảm thấy chuyện đó rất phiền phức, làm gì người ta cũng soi. Biết là cũng có người thương, kẻ ghét nhưng công ty mình làm ăn rõ ràng mà còn có người lên mạng bịa đặt này kia. Nhiều khi mình mệt mỏi lắm”.
Nam triệu phú tự nhủ ngày trước nếu có thất bại thì bản thân cũng chỉ đói vài bữa. Bây giờ, mỗi lần sóng gió nổi lên, anh phải lo cho cuộc sống của mấy trăm anh em, biết bao nhiêu người phải nuôi cha yếu, mẹ già.
Về thăm nhà lần này, Vương Phạm tranh thủ thời gian dành cho gia đình và dự định rước mẹ sang Mỹ đoàn tụ cùng con cháu.
Trong bữa cơm gia đình, bà Nguyễn Thị Dung, mẹ của Vương hào hứng chia sẻ: “Dù sinh sống 15 năm ở nước ngoài nhưng Vương rất thích ăn cơm mẹ nấu và tính cách vẫn vậy, không hề khác so với trước kia”.
Nghe mẹ tâm sự, Vương Phạm tiếp lời: “Dù mình có già thế nào thì trong mắt mẹ vẫn chỉ là một đứa trẻ. Vương sống thiên về gia đình nên những khoảnh khắc vui nhất của mình là như hôm nay được ở bên gia đình, ôm bà ngoại một cái. Ông bà cố của mình có tuổi hết rồi, ngày nào đó họ cũng về thế giới bên kia. Đến ngày đó xảy ra thì mình sống sao để không phải hối hận”.
Bà Dung kể: “Lúc nhỏ, anh chàng khá nghịch ngợm nhưng cũng lanh lợi và tự lập từ bé. Đặc biệt, Vương còn rất thương người, nhất là các cụ già. Không ít lần con tôi gửi thức ăn, giúp đỡ, quan tâm đến sức khỏe các cụ”.
Vì thế ngoài mong muốn dành nhiều thời gian hơn bên ông bà, chàng doanh nhân còn ấp ủ dự định xây dựng nơi ở cho các cụ già neo đơn trong khu vực.