Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9/9 đưa tin, luật mới cũng cho phép quân đội của Triều Tiên "tự động" thực hiện các cuộc tập kích hạt nhân chống lại lực lượng đối phương nếu các lãnh đạo của đất nước bị tấn công.
Theo KCNA, luật mới thông qua đã củng cố các chính sách về vũ khí nguyên tử của Triều Tiên cũng như khiến tình trạng hạt nhân của nước này “không thể đảo ngược”. Luật cũng cấm bất kỳ hoạt động chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân nào với các nước khác.
Phát biểu tại Quốc hội sau khi các nhà lập pháp phê chuẩn luật, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố, quốc gia Đông Bắc Á này sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa "cần thiết để chống lại sự thù địch của Mỹ".
Theo báo Guardian, phát biểu của ông Kim phản ánh căng thẳng gia tăng trong khu vực, khi ông cho đẩy nhanh việc mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của đất nước. Ông Kim đã nhiều lần cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân khi bị đe dọa.
Hoạt động ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng đã đi chệch hướng kể từ năm 2019 do những bất đồng về việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện các bước hướng tới phi hạt nhân hóa.
Bình Nhưỡng đã tiến hành các vụ thử nghiệm vũ khí với tốc độ kỷ lục trong năm nay, khi phóng hơn 30 vũ khí đạn đạo, bao gồm cả vụ bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên kể từ năm 2017.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc lo ngại, ông Kim có thể sớm ra lệnh thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên trong vòng 5 năm trở lại đây.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên bất kỳ khi nào, ở bất kỳ ở đâu. Trong khi, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định, Seoul sẽ cung cấp các khoản viện trợ lớn về kinh tế nếu Bình Nhưỡng bắt đầu từ bỏ kho vũ khí gây tranh cãi.
Tuấn Anh