Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào ngày 23/10.
Tờ trình đề cập đến nội dung giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.
Tờ trình dẫn nội dung Nghị quyết 28 của Trung ương có nêu việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm.
Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và hưởng thụ quyền lợi BHXH.
Chính phủ cho biết, theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu.
Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là đủ 20 năm. Chính phủ cho rằng, quy định này đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.
Do vậy, điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, cũng có trường hợp làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.