Cách đây hơn 3 tháng, nông dân tại nhiều tỉnh thành ở nước ta đối diện với tình trạng sầu riêng vào vụ thu hoạch nhưng rớt giá thảm. Theo đó, sầu Ri6 tại vườn được các thương lái thu mua với giá chỉ 32.000 đồng/kg, thấp hơn mọi năm.
Còn tại chợ Hà Nội, sầu riêng từ mức giá 100.000-150.000 đồng/kg rớt xuống còn 55.000-65.000 đồng/kg. Với mức giá này, từ loại quả có giá đắt đỏ, sầu riêng biến thành hàng bình dân. Sầu được chất đống bán đầy vỉa hè, xe hàng rong trên phố.
Thế nhưng, những ngày gần đây, giá sầu riêng bật tăng mạnh. Trên thị trường, giá sầu Ri6 dao động từ 155.000-175.000 đồng/kg tùy loại, riêng cơm sầu giá 450.000-500 đồng/kg. Đây là mức giá các cửa hàng bán bao ăn từng quả cho khách, nếu hàng hỏng hoặc sượng sẽ được đổi lại với trọng lượng tương đương.
Với sầu nguyên trái hàng không bao ăn giá cũng lên tới 120.000-140.000 đồng/kg, còn cơm sầu giá 300.000-400.000 đồng/kg.
Chị Đào Thị Thanh Xuân ở Trịnh Đình Cửu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, cách đây hơn 1 tháng, chị mua sầu Monthong tại một cửa hàng ngay gần nhà với giá 115.000 đồng/kg. Quả sầu 3,5kg hết khoảng 400.000 đồng. Nhưng ngày hôm qua, cũng loại sầu này chị phải mua với giá 155.000 đồng/kg.
"Trái sầu 4kg giá lên tới 620.000 đồng - mức giá vô cùng đắt đỏ. Đến tôi là fan cuồng của sầu riêng cũng phải đắn đo trước khi mua", chị nói.
Một số đầu mối bán sầu riêng tại Hà Nội thừa nhận, giá sầu gần đây tăng mạnh. Với mức giá hiện nay, sầu riêng trở lại vị thế “vua trái cây” chứ không còn là hàng bình dân như cách đây vài tháng.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Mạnh Khương, đầu mối chuyên bỏ sỉ sầu riêng tại Cần Thơ, cho biết, giá sầu riêng đang rất cao. Như loại Ri6 lên tới 75.000 đồng/kg, sầu Monthong giá sỉ 82.000 đồng/kg.
Một số đầu mối bỏ sỉ sầu Thái, sầu óc khỉ, Ri6 hàng cân xô ở Đắk Lắk, Lâm Đồng với giá dao động từ 45.000-65.000 đồng/kg tùy loại.
So với thời điểm đầu mùa, giá sầu riêng hiện nay cao hơn khoảng 20.000-35.000 đồng/kg tùy loại.
Chia sẻ về nguyên nhân giá sầu riêng tăng mạnh, theo anh Khương, sầu riêng đã vào cuối vụ thu hoạch, hàng khan hiếm hơn trước rất nhiều. Hiện chỉ còn sầu nghịch vụ ở vùng Lâm Đồng, Đắk Lắk, Tiền Giang và Bến Tre, song số lượng không nhiều. Khi cung khan hiếm giá sẽ tự động tăng cao.
Trong khi đó, thời điểm này sầu riêng bắt đầu được xuất chính ngạch đi Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đang thu mua với số lượng khá lớn, tạo hiệu ứng đẩy giá lên cao hơn.
Trung Quốc “ăn hàng”, sầu riêng sẽ giữ giá cao
Một chuyên gia trong ngành trái cây cũng nhận định, giá sầu riêng đang cao ngất ngưởng và rất khó giảm trong thời gian tới.
Còn về câu chuyện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, theo chuyên gia này, các lô sầu của Đắk Lắk và Lâm Đồng đã thông quan thuận lợi, bày bán tại thị trường Trung Quốc. Giá sầu Việt cũng cạnh tranh so với sầu Thái cùng loại nhờ lợi thế vận chuyển gần, chi phí vận chuyển thấp, chất lượng sầu đảm bảo tươi ngon. Tuy nhiên, lượng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này còn khiêm tốn.
Theo thông tin Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt khoảng 670.000 tấn. Mới đây, phía Trung Quốc đã phê duyệt 51 vườn trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng điều kiện để xuất khẩu vào thị trường này.
Dự kiến có khoảng 3.000 ha, tương đương sản lượng 68.000 tấn sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Khối lượng doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu đến nay lên tới 1,3 triệu tấn.
Mới đây, ông Nguyễn Vũ Thắng, Giám đốc vận hành Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát, cho biết, đơn vị này đã xuất khẩu được 3 container sầu riêng sang Trung Quốc. Sau đó mỗi tháng, công ty sẽ xuất 1.000 tấn theo đơn đặt hàng của đối tác.
Còn ông Vũ Ngọc Huy - Công ty CP thương mại XNK Dũng Thái Sơn - tiết lộ, khi xuất container sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, doanh nghiệp nhận được đơn hàng xuất khẩu 500.000 tấn sầu riêng, nhưng vùng trồng hiện nay chưa đáp ứng đủ lượng hàng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 năm 2022, xuất khẩu sầu riêng tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 42 triệu USD. Còn tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu mặt hàng này đạt 158,4 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2021.