Khi sân bay bị biến thành "sàn diễn" của những người tìm kiếm sự nổi tiếng trên mạng xã hội, nó không chỉ gây hại cho các cá nhân trực tiếp tham gia mà còn ảnh hưởng đến hành khách, an toàn và an ninh của từng chuyến bay.
Chính vì vậy, nhiều sân bay, hãng hàng không có quy định chặt chẽ và hình phạt nghiêm khắc đối với nhóm TikToker làm trò, gây náo loạn ở những khu vực không được cho phép.
TikToker ngồi trên băng chuyền hành lý để quay clip câu view. |
Nơi khởi phát những trào lưu ngớ ngẩn
Phát biểu với đài phát thanh LBC hôm 25/7, Giám đốc điều hành sân bay Heathrow (London, Anh) John Holland-Kaye cho biết nhu cầu hỗ trợ xe lăn tại sân bay đang tăng bất thường so với thời điểm trước đại dịch.
Lý giải về hiện tượng này, ông Holland-Kaye cho biết các "mẹo du lịch" trên TikTok là nguyên nhân chính.
Trong một clip lan truyền được đăng hồi tháng 6 trên nền tảng, người dùng WolfJenko nói rằng anh ta giả vờ bị thương để qua cửa an ninh sân bay nhanh hơn trong bối cảnh cao điểm du lịch mùa hè khiến nhiều sân bay kẹt cứng.
"Giả làm người bị thương ở chân để vượt qua cửa an ninh nhanh hơn và lên máy bay trở về từ Ibiza", người này viết trong phần chú thích.
Đoạn video cũng cho thấy TikToker được đẩy trên một chiếc xe lăn và không phải xếp hàng chờ đợi như các hành khách khác. Anh ta cũng cho biết mình đã được dành cho cả hàng ghế trong suốt chuyến bay khi giả vờ bị thương.
TikToker giả làm người tàn tật để được ưu tiên check-in, lên máy bay. |
Theo Telegraph, người đàn ông này là một sinh viên 28 tuổi đã đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Bristol (Anh).
Khi trào lưu giả tàn tật, bị thương lan rộng, những hành khách gặp vấn đề thực sự đã không thể tìm được xe lăn cũng như sự hỗ trợ cần thiết của các nhân viên sân bay, tiếp viên hàng không.
"Chỉ vì clip TikTok kỳ quặc đó mà tôi đã bị lãng quên và đối xử tệ hại", một hành khách cho biết.
Đài LBC cũng đưa tin rằng 20 hành khách ngồi trên xe lăn đã bị bỏ lại ở nhà ga số 3 của Sân bay Heathrow vì thiếu nhân viên hỗ trợ làm thủ tục vào tuần trước.
"Một số người đang sử dụng xe lăn để cố gắng đi nhanh qua sân bay. Điều này hoàn toàn sai trái. Xin đừng làm vậy! Chúng tôi cần bảo đảm dịch vụ được dành cho những người cần nó nhất", ông Holland-Kaye nói.
Hình phạt đối với TikToker gây rối
"Hãy cẩn thận với những gì bạn đăng tải trực tuyến, vì nó thực sự có thể gây cản trở cho kế hoạch du lịch trong tương lai của bạn", tạp chí du lịch Travel + Leisure cho biết vào cuối năm 2020.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều TikToker bị các hãng hàng không cấm bay nhiều năm hoặc vĩnh viễn vì chia sẻ clip ngớ ngẩn lên nền tảng.
Tháng 11/2020, một người dùng TikTok tên là Rob K. (robkallday) đã bị Spirit Airlines cấm bay sau khi đăng video về cách mang theo những túi hành lý lớn lên máy bay mà không phải trả phí, The Independent đưa tin.
Như nhiều hãng khác, Spirit Airlines có các khoản phí đối với hành khách mang theo nhiều hành lý xách tay. Điều này làm cho giá vé máy bay trở nên đắt hơn nhiều đối với những người không thể đi du lịch chỉ với một chiếc ba lô đựng tất cả đồ đạc thiết yếu.
Trong clip TikTok, Rob K. đã dùng ứng dụng chỉnh sửa vé lên máy bay của Spirit Airlines để thay đổi số bên cạnh "hành lý xách tay" từ "0" thành "1".
Clip thu hút 3 triệu lượt xem trước khi bị xóa. Nhận định đây không phải là "mẹo du lịch" mà là một trò lừa đảo, Spirit Airlines đã cấm bay 2 năm đối với người phát tán clip.
Spirit Airlines cấm bay đối với một TikToker vì chia sẻ trò gian lận. Ảnh: Alex Tai. |
"Bạn đã tạo một video trên nền tảng truyền thông xã hội TikTok hướng dẫn người dùng cách chỉnh sửa vé lên máy bay. Đây là hình thức gian lận và gây thiệt hại cho Spirit Airlines. Vì hành vi sai trái nghiêm trọng này, chúng tôi sẽ áp dụng lệnh cấm bay đối với bạn", hãng hàng không viết trong thông báo gửi đến TikToker.
Tháng 12/2020, một TikToker khác (19 tuổi, sống ở Melbourne, Australia) cũng bị nhiều hãng hàng không cấm bay vì đăng "trò đùa" tấn công khủng bố trên nền tảng, theo Cảnh sát Liên bang Australia (AFP).
Các hãng hàng không tuyên bố cấm bay vĩnh viễn bao gồm Jetstar Airways, Qantas Airways và Virgin Australia Airlines.
Cơ quan thực thi pháp luật đã không đề cập đến danh tính của người phụ nữ trong báo cáo nhưng tuyên bố rằng người này đã đăng video lên TikTok khi cô đang đáp chuyến bay từ Melbourne đến Queensland.
Đoạn video, theo AFP, đã thúc đẩy nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng của cơ quan an ninh quốc gia Australia, sở cảnh sát Victoria và Queensland.
AFP cảnh báo: "Bất kể mục đích là gì, những trò đùa về việc thực hiện một cuộc tấn công khủng bố và an ninh hàng không không bao giờ là một câu chuyện cười, vì nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường".
(Theo Zing)
Gia đình nổi tiếng nhất TikTok bị hủy hoại trên chính nền tảng này
Nền tảng từng là bệ phóng nay trở thành "giàn thiêu" đối với gia đình Addison Rae Easterling khi người bố bị tố gạ gẫm, quấy rối phụ nữ.