Khi đang là sinh viên năm thứ tư của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Sỹ theo bạn bè xấu rồi trở niên nghiện ngập. 9 lần cai rồi tái nghiện, đến lần thứ 10, anh quyết tâm xích chân, tự nhốt mình trong phòng mới cắt được cơn. Giờ anh đang làm “thầy” của gần 200 học sinh với mong muốn làm lại cuộc đời.
Nguyễn Văn Sỹ đang dạy kèm cho một vài em ôn thi lại đại học |
Tự cai sau 9 lần tái nghiện
Lúc chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Sỹ (sinh năm 1989) ở thôn Eo Rú, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, anh đang dạy toán cho mấy em học sinh ôn thi lại đại học.
Nhìn chàng trai nhỏ nhắn, xăm trổ đầy mình đó, không ai nghĩ anh đang làm “thầy” của gần 200 học sinh. Ngoài những em tự nguyện đến đăng kí học thêm ở nhà, anh còn miễn phí phụ đạo môn toán cho 70 em học sinh lớp 12.
Là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh chị em, từ nhỏ Sỹ đã học rất khá và nhiều năm nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường. Sau khi tốt nghíệp THPT, Sỹ thi đậu vào ngành xây dựng dân dụng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ba năm đầu, anh luôn là sinh viên đạt học bổng của trường.
“Đến cuối năm thứ 3 đại học, bố tôi mất đột ngột do tai nạn giao thông. Lúc đó kinh tế gia đình rất khó khăn, trong một lần nhậu, mấy người bạn đã đưa ma túy ra dùng, tôi cũng thử và một thời gian sau chính thức trở thành con nghiện” – anh Sỹ nhớ lại.
Sỹ đã dùng tiền học gia đình gửi, cầm cố xe, máy tính, điện thoại, làm đồ án thuê… để có tiền hút thuốc, được gần một năm thì gia đình bắt đi cai nghiện. Cứ đi khoảng 1 tuần đến 10 ngày cắt cơn là về đi hoc bình thường.
“Tính từ cuối năm 2010 đến năm 2012, gia đình tôi đã đưa Sỹ đi cai nghiện 9 lần, lâu nhất là lần thứ 9 đi 3,5 tháng, nhưng cứ đi về được một thời gian ngắn là tái nghiện. Tính riêng tiền cai nghiện của Sỹ cũng cả trăm triệu, chưa kể tiền chuộc đồ lần này đến lần khác nữa. Lúc đó gia đình đã không còn kinh tế và niềm tin nữa nên mặc kệ nó, muốn làm gì thì làm”, chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1963 – mẹ Sỹ) cho biết.
Sau khi đã hoàn thành chương trình học, Sỹ bỏ nhà đi lang thang và làm đủ mọi việc để có tiền hút chích. Một thời gian sau, biết không thể trụ được lâu nên Sỹ quyết định về nhà, xin gia đình tự cai nghiện.
Lúc đó, cả nhà không ai tin, Sỹ đã nhờ anh trai xích và tự nhốt mình trong phòng, vật vã với những cơn nghiện. Một tháng sau thì cắt cơn.
“Thầy giáo xăm trổ” của gần 200 học sinh
“Cắt đươc cơn, anh trai đưa tôi sang làm việc 1 năm cho công ty xây dựng ở Lào. Tết năm 2016 tôi về quê vì mẹ bị gãy chân. Lúc đó, người ngoài vẫn chưa tin tôi đã cai nghiện. Nhìn ánh mắt dè chừng của họ tôi rất buồn nên quyết định ở nhà để chứng minh cho mọi người thấy tôi đã thay đổi” - anh Sỹ nói tiếp.
Công việc dạy kèm đã được anh duy trì suốt những năm đại học. Lần này ở nhà, anh nhận kèm cho một em học sinh lớp 11. Được mấy tháng thì có nhiều em tự nguyện đến xin bồi dưỡng hoc thêm. Từ một em, đến nay anh đang dạy cho gần 200 em học sinh từ lớp 9 đến 12 và ôn thi đại học.
Em Hoàng Đưc Thắng, học sinh lớp 12A trường THPT Hoàng Hoa Thám cho hay: “Em học ba môn khối A với anh Sỹ từ năm lớp 11 để năm nay thi Đại học, từ ngày học thêm ở đây em học hành tiến bộ hơn nhiều”.
Lớp học miễn phí cho 70 em học sinh lớp 12 |
“Gần đây có 70 em học sinh lớp 12 muốn tôi phụ đạo thêm môn toán. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Công an Huyện Lệ Thủy nên lớp học miễn phí này đã được mở vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Hiện nay, mỗi ngày tôi dạy ít nhất 4 ca, nhiều nhất là chủ nhật với 7 ca học, mỗi ca dưới 20 học sinh” - anh cho biết.
Về những hình xăm trổ khắp người, anh bảo anh xăm lúc đi lang thang. “Có lần vào mùa hè mặc áo quần ngắn, phụ huynh đưa con đến xin học thấy tôi nằm ngủ bên võng không dám gọi dậy vì không nghĩ tôi là người dạy kèm các em. Cũng có nhiều em lần đầu gặp tôi không dám nói chuyện vì sợ.
Năm ngoái tôi ôn thi đại học cho 27 em thì có gần chục em đậu, còn lại học cao đẳng, những em bị hổng kiến thức cũng được tôi củng cố lại nên học lực khá hơn, gia đình các em đã bắt đầu yên tâm để con theo học lớp tôi” - anh Sỹ tâm sự.
Thượng tá Trương Minh Vũ, trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết “Biết Sỹ học giỏi nên chúng tôi đã động viên và cố gắng hỗ trợ hết mức để mượn phòng tổ chức lớp học miễn phí cho 70 em học sinh lớp 12. Bên cạnh đó chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, trong tương lai sẽ còn hỗ trợ nhiều hơn nữa để Sỹ có động lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội”.
Hải Sâm