Những ngày rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ chảy máu não tăng 10-20%, rất nhiều trường hợp nặng.
Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong những ngày trời rét đậm, số bệnh nhân cấp cứu tăng cao, chủ yếu là nhóm người cao tuổi.
Ông Trần Viết Tị (72 tuổi, trú tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) mắc phổi tắc nghẽn từ năm 2012, mỗi năm phải vào viện 3-4 lần nhất là mùa đông. Trước khi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, ông đã phải điều trị tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình 9 ngày. Sáng 22/1, trời trở lạnh, nhiệt độ hạ thấp đột ngột, ông không thể thở được.
“Tôi cảm giác như không hít thở lấy oxy được nữa, lồng ngực như có người bóp nghẹt nên gia đình đưa tôi xuống Bệnh viện Bạch Mai ngay. Khi được cấp cứu tại đây, tôi có cảm giác như con cá mắc cạn đã có nước hồi sinh”, ông nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu - Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ông Tị bị viêm phổi tắc nghẽn kéo dài hơn 10 năm. Khi vào viện, bác sĩ nhanh chóng cho thở oxy gọng và tiếp tục điều trị triệu chứng, thêm thuốc giãn cơ. Sau đó, bệnh nhân sẽ về Trung tâm Hô hấp tiếp tục điều trị theo phác đồ COPD.
Bệnh nhân T.V.T (65 tuổi) được đưa vào cấp cứu vào sáng 22/1 tại Trung tâm A9 trong tình trạng khó thở, tắc nghẽn phổi cấp tính. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành đặt máy thở để cấp cứu hồi sức tích cực.
Người bệnh bị tắc nghẽn phổi mạn tính đã lâu, trong đợt không khí lạnh này bất ngờ khó thở, suy hô hấp.
Bác sĩ Hiếu chia sẻ, đây là một trong nhiều trường hợp nguy kịch vì viêm phổi trên nền COPD. Khi bệnh nhân COPD trở nặng vào cấp cứu, bác sĩ phải nhanh chóng đặt ống nội khí quản, thở máy. Trong vài ngày tới, bệnh nhân bình phục sẽ được rút máy thở.
Theo bác sĩ Hiếu, khi thời tiết lạnh sâu, bệnh nhân cấp cứu vì biến chứng do COPD tăng đột biến. Trung bình, Trung tâm cấp cứu A9, tiếp nhận 20 - 30 ca/ngày trong đó 10% phải thở máy.
Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, thông tin, hiện nay có xu hướng gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Số ca cấp cứu nội khoa tại Trung tâm Cấp cứu A9 trong thời gian này chủ yếu là các bệnh lý xuất huyết tiêu hóa (do uống rượu, xơ gan vỡ tĩnh mạch thực quản), COPD, đột quỵ, bệnh lý tim mạch (cơn tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim)... Đặc biệt, khi thời tiết lạnh sâu, số ca bệnh liên quan tới đột quỵ, huyết áp, hô hấp tăng lên đáng kể.
Theo Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang là gánh nặng lên sức khỏe, kinh tế và xã hội. Đây là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính tỷ lệ mắc bệnh này là 9% dân số, cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường xảy ra ở những người có độ tuổi trên 40 tuổi. Các dấu hiệu thường gặp gồm: ho nhiều về buổi sáng, ho cơn hoặc ho thúng thắng, có kèm khạc đờm hoặc không. Đờm nhầy, trong, trừ đợt cấp có bội nhiễm thì đờm màu trắng đục, màu xanh và màu vàng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh khó thở nếu gắng sức như khi leo dốc, leo cầu thang, làm việc nặng. Ở giai đoạn sau, tình trạng khó thở nặng dần lên theo thời gian. Ở giai đoạn muộn, người bệnh thường khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.
Một trong những biện pháp phòng tránh đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm khuẩn là tiêm phòng vắc xin. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tiêm phòng vắc xin phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19, virus hợp bào hô hấp và zona.
Khi thời tiết lạnh, người có bệnh nền sẵn cần tuân thủ điều trị, giữ ấm cơ thể. Nếu người bệnh có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị.
Những ngày rét đậm, số bệnh nhân đột quỵ chảy máu não tăng 10-20%, rất nhiều trường hợp nặng.