Trong thời gian qua, bên cạnh những cỗ máy chơi game mới mẻ và cao cấp như Xbox One hay PS4, hoặc những cỗ máy tính chơi game với cấu hình khủng được nhiều game thủ Việt sắm sửa trong thời gian qua, thì gần đây, một phong trào mới đã rộ lên. Thay vì việc bỏ tiền triệu để mua những máy console đắt tiền, nhiều người trẻ tuổi có vẻ như lại muốn trở về với "tuổi thơ dữ dội" với những thiết bị đã có tuổi, những cỗ máy đầy tính hoài cổ, dù đôi lúc xuất hiện từ thời kỳ nhiều người trong số chúng ta còn chưa ra đời.

 

Một lợi thế không thể nào chối bỏ của những cỗ máy chơi game cũ như NES, SNES, PlayStation 1 hoặc 2, hay GameBoy chính là mức giá của chúng. Không chỉ giới trẻ Việt Nam, mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng đang quan tâm tới nhiều máy chơi game đã có tuổi đời hoặc thậm chí là mua đồ cổ cho con em mình vì tiêu chí giá cả.

Ấy là chưa kể, trong mắt nhiều ông bố bà mẹ đã từng có quá khứ với nhiều huyền thoại như Bắn Vịt, Mario, Contra cùng những cỗ máy một thời cũng muốn con cái họ thưởng thức những tựa game đó, dù rằng hình ảnh không mấy lôi cuốn như những "bom tấn" thời gian qua trên nền tảng PS3 hay PS4. Đó là những ký ức không thể nào quên trong tâm khảm của tôi, của bạn, hay của bất kỳ game thủ Việt 8x hay 9x đời đầu nào.

Một lý do nữa cho việc máy chơi game cổ lên ngôi chính là tâm lý hoài cổ, thích sưu tập của một bộ phận game thủ Việt. Sở hữu những máy chơi game mới, những tựa game hiện đại thật sự quá đỗi đơn giản, chỉ cần đủ tiền là xong. Thế nhưng việc sở hữu lại những băng game cổ, những máy chơi game đã có 20 đến 30 năm tuổi đời nhưng vẫn hoạt động hoàn hảo dù bề ngoài có vẻ cũ kỹ lại là ước mơ của không ít người.

 

Và vào đúng ngày này 33 năm về trước, Nintendo Family Computer, được gọi tắt là Famicom, hay còn có hai cái tên huyền thoại ai cũng biết khác là NES ở thị trường Mỹ, và "điện tử 4 nút" ở Việt Nam đã chính thức được bán tại thị trường Nhật Bản vào ngày 15/07/0983. Mãi đến hơn 2 năm sau, người Mỹ mới được thưởng thức một trong số những kiệt tác của làng game thế giới, dĩ nhiên là sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của Nintendo để vực dậy sau cuộc khủng hoảng máy chơi game diễn ra trước đó.

Vào ngày 18/10/1985, Nintendo Mỹ đã “đánh tất tay” một canh bạc giữa lúc những cỗ máy chơi game console gia đình đang gặp khó khăn sau sự bùng nổ cuối thập niên 70, đầu thập kỷ 80. Vào thời đó, những cái tên như Atari hay Coleco đã phải hứng chịu thất bại khủng khiếp từ việc tung ra những tựa game không có chất lượng, khiến thị trường bão hòa và game thủ quay lưng lại với những cỗ máy console.

30 năm sau, có vẻ như chính Nintendo Entertainment System - NES, hay còn được gọi là Famicom tại thị trường Nhật Bản đã trở thành vị cứu tinh của thị trường máy chơi game gia đình. Giờ đây chúng ta có Xbox One, có PS4, có Wii U và thậm chí ngay cả những đại gia của ngành máy tính cá nhân như Asus hay Dell cũng đã nhận ra giá trị của thị trường này để tạo ra những cỗ máy tính nhỏ gọn phục vụ đối tượng “game thủ phòng khách” muốn sở hữu một cỗ máy nhỏ gọn nhưng đủ mạnh để chiến mọi game offline nặng nề hiện tại.

 

Quay trở lại thời điểm tròn 30 năm về trước. Khi đó Famicom đã trở thành một tượng đài theo đúng nghĩa đen chỉ sau 2 năm ra mắt tại quê nhà Nhật Bản. Tuy nhiên ban giám đốc của Nintendo lúc bấy giờ vẫn còn rất nghi ngờ vào khả năng thành công của Famicom tại Bắc Mỹ, nhất là sau sự sụp đổ của thị trường máy chơi game gia đình cũng trong năm 1983.

Khi đó Minoru Arakawa chủ tịch Nintendo Bắc Mỹ, và cũng là con rể của chủ tịch Nintendo Hiroshi Yamauchi, đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông bỏ ra 2 năm liền để tìm đối tác phân phối Famicom tại Mỹ, nhưng đều thất bại.

Không cho phép con rể của mình đầu hàng trước số phận. Thay vì tiếp tục bơm tiền để Arakawa đi tìm đối tác, Nintendo quyết định gửi liền 100.000 máy Famicom tới Mỹ, đổi tên chúng thành Nintendo Entertainment System (NES) để chi nhánh Bắc Mỹ của ông lớn xứ Hoa anh đào thực hiện một sự kiện ra mắt sản phẩm giữa lòng đất Mỹ, tại nơi thị trường khó tính nhất: New York.

 

Dĩ nhiên mọi chuyện không hề đơn giản cho Nintendo. Cuối cùng, trong một động thái có phần tuyệt vọng, Nintendo đã ký vào “hợp đồng quỷ dữ”, qua đó cho phép các cửa hàng không phải bỏ tiền nhập máy về trữ tại kho. Họ chỉ cần trả cho Nintendo khoản tiền có được từ những cỗ máy đã được bán ra.

Nói một cách ngắn gọn, Nintendo ký gửi hàng của họ tại các cửa hàng bán game, và hy vọng vào một phép màu đúng nghĩa đen. May mắn thay cho Nintendo. Doanh số bán ra của họ trong năm 1985 là ước mơ của mọi thương hiệu khác. Chỉ tính riêng kỳ nghỉ cuối năm 1985, nhiều báo cáo cho hay, số lượng máy NES bán ra rơi vào khoảng 50 đến 90 nghìn máy, ngót nghét con số máy chơi game được Nintendo nhập vào đất Mỹ. Thậm chí một số thành phố lân cận cũng đã phải nhập NES để phục vụ cộng đồng game thủ tại đây. Điều này đặt nền móng cho Nintendo, cho phép họ chính thức bán NES trên toàn nước Mỹ vào đầu năm 1986.

Thành công rực rỡ của Nintendo đã được coi như một chiến thắng huy hoàng, một bước hồi sinh cả một thị trường đã chết kể từ năm 1983, và được David Sheff thuật lại một cách khó lòng có thể chi tiết hơn trong cuốn sách mang tên “Game Over: How Nintendo Conquered the World”. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, cuốn sách này vẫn là một trong số những tác phẩm mà bất kỳ người làm game hay nhà nghiên cứu thị trường game nào cũng phải đọc.