Cụm từ “khủng hoảng chi phí sinh hoạt” ở Anh thường gợi hình ảnh các gia đình đang chật vật nuôi con và giữ ấm trong mùa đông này.
Tuy nhiên, một nhóm nhân khẩu học khác hiện đang vắng mặt trong cuộc thảo luận về tình trạng khẩn cấp, đó là sinh viên đại học.
Đây là thế hệ sinh viên trải qua những biến động chưa từng có tiền lệ, từ việc học, thi trực tuyến do đại dịch Covid-19 đến việc phải chật vật trang trải chi phí sinh hoạt cho những năm đại học ngay sau đó.
Tình hình còn khó khăn hơn đối với sinh viên thuộc tầng lớp lao động.
Phân tích của Viện Nghiên cứu Tài khóa và Tổ chức từ thiện giáo dục Sutton Trust cho thấy tỷ lệ tiếp cận của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở giáo dục tốt nhất của Anh là thấp nhất.
Sinh viên đã phải đi làm song song với việc học trên lớp từ lâu trước khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bùng phát. Tuy công việc làm thêm có thể giúp trang bị những kỹ năng quý giá, nhưng việc làm thêm quá nhiều giờ có thể tác động tiêu cực đến việc học. Nhiều trường đại học khuyến nghị sinh viên chỉ làm việc tối đa 15 giờ/tuần. Tuy vậy, một nghiên cứu tiết lộ rằng 9% sinh viên ở Anh làm việc 21-30 giờ một tuần và 11% làm việc hơn 31 giờ.
Rõ ràng, điều này là không bền vững nhưng sinh viên buộc phải thực hiện. Làm việc bán thời gian là cách duy nhất để sinh viên từ tầng lớp lao động tồn tại trong thời kỳ bão giá này.
Một sinh viên Đại học Birmingham, người đã làm việc ngay từ năm thứ nhất và sẽ tốt nghiệp mùa hè tới, cho biết cậu không nhận sự hỗ trợ tài chính nào từ cha mẹ, đồng thời buộc phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết.
Khi giá cả tăng lên, ngay cả tiền làm thêm cũng khó trang trải đủ. Tính đến tháng 6 năm nay, 11% sinh viên Anh đã sử dụng ngân hàng thực phẩm.
Không chỉ sinh viên thuộc tầng lớp lao động, những sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu của Anh cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Nhiều em dựa vào gia đình để để trang trải sinh hoạt phí, điều này cũng tạo gánh nặng cho gia đình.
Trong một cuộc khảo sát của một nhà cung cấp nhà ở được thực hiện vào tháng 3/2022, có 73% phụ huynh và 66% sinh viên nói rằng họ “cực kỳ lo lắng” về chi phí sinh hoạt tại trường đại học. Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng 36% phụ huynh đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ tài chính cho gia đình cũng như con cái họ ở trường đại học và phải chuyển sang các nguồn thu nhập khác. Có 10% phụ huynh đã vay ngân hàng và 3% đã tái thế chấp nhà.
Tại Anh, câu hỏi liệu có cần thiết vào đại học trong khi sinh viên phải vật lộn làm hàng giờ đồng hồ để trang trải chi phí này lại tiếp tục được đặt ra.
Đối với nhiều sinh viên thuộc tầng lớp lao động, các khoản vay tài chính là cách duy nhất để họ có thể đủ khả năng vào đại học. Tuy nhiên, với việc các khoản vay không tăng để phù hợp với chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh chóng, giấc mơ vào đại học sẽ không thể đạt được đối với nhiều người do nền tảng tài chính bấp bênh của họ.
Nhiều chuyên gia kêu gọi đã đến lúc các khoản vay tài chính dành cho sinh viên phải tăng theo lạm phát, nếu không chính phủ phải cung cấp gói hỗ trợ chi phí sinh hoạt phù hợp cho sinh viên (như Liên minh Sinh viên Quốc gia (NUS) đã đề xuất), tương tự như gói tài chính mà 8 triệu gia đình đã nhận được.
Ở góc độ nhân văn, bất kỳ chính phủ nào cũng không thể làm ngơ và buộc sinh viên phải lựa chọn giữa việc học và việc ăn. Trên bình diện xã hội, các chính phủ phải khẩn trương đầu tư nhiều tiền hơn cho giáo dục bởi sinh viên, một ngày nào đó, sẽ điều hành đất nước và đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào tương lai của quốc gia.
Bảo Huy (theo The Guardian)