Mời quý độc giả theo dõi video:
Những năm gần đây, một số hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn Huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó mang lại thu nhập ổn định.
Với các mô hình như: Sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm bằng tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tự động và bán tự động… Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Hiện nay, dưa lưới là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên ở Việt Nam, dưa lưới chịu nhiều tác động từ khí hậu, sâu bệnh, côn trùng... Do vậy, ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà màng có thể sản xuất dưa lưới cho năng suất cao, mẫu mã đẹp và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tính đến nay, Nghi Lộc đã có gần 10 mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.
Để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, UBND huyện đã xây dựng cơ chế mỗi mô hình từ 2000 m2 trở lên sẽ hỗ trợ từ 200 – 250 triệu đồng. Từ việc hỗ trợ ban đầu, đến nay đã nhân rộng mô hình ra đại trà. Một số địa phương tận dụng cơ chế hỗ trợ để mở rộng diện tích như: Nghi Trung, Nghị Trường, Khánh Hợp...Bình quân mỗi sào đạt xấp xỉ 1,5 đến 2 tấn dưa. Mỗi mô hình có diện tích trên 2000 m2 cho thu nhập từ 550 đến 600 triệu đồng/năm.
Nguồn hỗ trợ này đã khuyến khích người dân huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà lưới, đầu tư áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao. Từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất của người dân theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại sản phẩm có chất lượng, hiệu quả để cung ứng cho các thị trường cao cấp, mang lại việc làm và thu nhập cho nông dân.
Nghi Lộc là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh Nghệ An, tuy nhiên quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Do vậy, việc phát triển nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đang là mục tiêu trọng tâm của huyện, địa phương sẽ tạo điều kiện, tập trung kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp chuyển giao, liên kết phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng và triển khai những chính sách ưu đãi về vay vốn phát triển mô hình, quảng bá sản phẩm, tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình trồng cây dưa lưới và một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao khác. Bên cạnh đó là hỗ trợ các hộ trồng dưa lưới đăng ký giấy phép kinh doanh, kiểm định môi trường, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ bao bì, logo, hình ảnh để phát triển OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm.