TP Hà Nội và các đơn vị liên quan đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô sửa đổi, dự kiến xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (giữa năm 2024).
Một trong những chính sách lớn được nêu trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, đó là thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo dự thảo luật, công dân Việt Nam có trình độ, năng lực vượt trội… được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo và các ưu đãi khác.
Công dân Việt Nam có tài năng đặc biệt được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên. HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể lĩnh vực thu hút, nguyên tắc thực hiện, tiêu chuẩn các đối tượng được thu hút.
Nêu ý kiến về vấn đề trên, TS Bùi Xuân Phái (giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, phương châm trong việc thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao, người có tài năng phải gắn với mục tiêu và tầm nhìn xây dựng và phát triển Thủ đô.
Theo TS Bùi Xuân Phái, để thực sự thể hiện được vai trò của mình, Hà Nội phải thu hút được những người được đào tạo bài bản, chính quy. Hà Nội phải có chính sách phù hợp trong việc thu hút được nhân tài trong nhiều lĩnh vực.
Ông Bùi Xuân Phái cho rằng, trong mỗi lĩnh vực của Hà Nội đều cần người có vai trò thủ lĩnh. Những người này sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển của Thủ đô. Nhờ những cú hích này, Hà Nội có thể tạo ra khâu đột phá cho sự phát triển.
Để thực hiện mục tiêu trên, TS Bùi Xuân Phái cho rằng, TP Hà Nội phải rà soát lại toàn bộ chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nhân tài. Việc này nhằm tìm ra những điểm bất hợp lý trong công tác nhân sự. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khảo sát sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc để hiểu hơn tâm lý công hiến, mong muốn về mức thu nhập và về cơ hội thăng tiến…
Góp ý hoàn thiện dự luật, nhóm tác giả TS Đoàn Trung Kiên (hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội) và TS Đoàn Thị Tố Uyên (Trường ĐH Luật Hà Nội) cho rằng, những chính sách thu hút nhân tài của TP Hà Nội trong những năm qua đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định.
Cụ thể, dù đã có chính sách đãi ngộ nhưng số lượng người được tuyển dụng còn khiêm tốn. Hiện thành phố mới chỉ tuyển dụng được 55 thủ khoa xuất sắc, trong đó có 43 công chức, 12 viên chức. Từ năm 2017 đến nay, thành phố tuyển dụng được 32 bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp 2.
Một trong những bất cập nữa của chính sách tuyển dụng nhân tài được nhóm tác giả ĐH Luật chỉ ra đó là tiêu chí để tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao chủ yếu thông qua bằng cấp như tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc; có học vị thạc sĩ, tiến sĩ… Trong khi đó, người có các tiêu chí nêu trên không phải khi nào cũng đồng nghĩa với nhân tài.
Ngoài ra, chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng, rào cản trong quy trình bổ nhiệm và môi trường làm việc chưa thực sự tốt… cũng gây ra những khó khăn nhất định trong việc tuyển dụng nhân tài về Hà Nội làm việc.
Từ thực tế trên, TS Đoàn Trung Kiên và TS Đoàn Thị Tố Uyên đồng tình với những quy định trong thu hút nhân tài của dự thảo Luật Thủ đô. Tuy nhiên, ban soạn thảo luật cần bổ sung nội dung vị trí nhân sự chất lượng cao được tuyển dụng, bổ nhiệm; lương và thu nhập đảm bảo ổn định cho nhân sự chất lượng cao; quy trình, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm cần đơn giản hơn.
“Muốn thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Hà Nội cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác”, nhóm tác giả TS Đoàn Trung Kiên và TS Đoàn Thị Tố Uyên nêu quan điểm.