Đây là lần thứ 4, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Việt Nam) được tổ chức. Sự kiện này diễn ra sáng 8/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tổ chức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022). Ảnh: Nhật Sinh

Là một trong những sự kiện thường niên lớn nhất của ngành công nghệ số Việt Nam, diễn đàn có vai trò dẫn dắt, định hình đường hướng phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Năm nay, Diễn đàn Make in Việt Nam tổ chức với chủ đề: Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sự kiện được tổ chức với 2 điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản và Singapore.

Bộ TT&TT sẽ tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc. 

Bên cạnh đó là triển lãm trực tiếp và trực tuyến trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu, phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. 

Không chỉ phát triển mạnh ở thị trường trong nước, phong trào Make in Việt Nam còn lan tỏa rộng khắp với nhiều doanh nghiệp công nghệ số hướng ra toàn cầu. Tổng cộng hơn 1.400 sản phẩm Make in Việt Nam đã tiến ra thế giới.

Nhóm PV VietNamNet

08/12/2022 | 11:16

11h16: Công bố và trao giải Make in Việt Nam 2022

Khép lại phiên buổi sáng của của Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ tư là lễ công bố và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam” năm 2022.

Trao giải “Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số”. Ảnh: Nhật Sinh

Có 52 giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam” năm 2022 được trao, gồm 40 giải Top 10 sản phẩm công nghệ số xuất sắc cùng 12 giải Vàng, Bạc, Đồng theo 4 hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”, “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số” “Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số”.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng và ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông trao giải cho các đơn vị nhận giải thưởng ở các hạng mục Top 10 Sản phẩm số xuất sắc.

Cụ thể, Top 10 hạng mục sản phẩm số tiềm năng gồm: Bộ sản phẩm an toàn điện thông minh Vconnex; dịch vụ tổng đài ảo thông thông minh (Omicall); giải pháp Omni-channel Marketing Automation GAPONE; giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thủy sản; hệ sinh thái chuyển đổi số nông nghiệp thông minh Nextfarm; hệ thống giám sát tổng hợp tầm nhìn – Foresight Synthetic Monitoring System; ICANKid - Ứng dụng “Chơi mà học” cho bé từ 2 – 6 tuổi; máy bán hàng tự động thông minh SVM; Metric - Nền tảng số liệu thương mại điện tử; trạm sạc nhanh cho ô tô điện EVN EV CHARGER.

Trao giải “Sản phẩm số tiềm năng”. Ảnh: Nhật Sinh

Top 10 hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số là các giải pháp: GapoWork – Nền tảng hợp nhất cho giao tiếp và cộng tác trong tổ chức; hệ sinh thái thiết bị đầu cuối viễn thông thế hệ mới – dòng thiết bị modem quang GPON/XGSPON ONT iGate và hệ thống quản lý Cloud Based – ONE Telco; nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S); nền tảng giáo dục MISA EMIS; nền tảng phi lợi nhuận chống lừa đảo trực tuyến cho người Việt Nam; nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quốc gia; nền tảng việc làm chất lượng cao TopCV; thẻ thông minh MK SMART; VietOn – giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet; Viettel Money – hệ sinh thái thương mại, tài chính số.

Top 10 "Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”. Ảnh: Nhật Sinh

Top 10 hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số gồm có: Chữ ký số từ xa FPT eSign; công tơ điện tử CPC EMEC; Fast Business Online – Giải pháp quản trị toàn diện doanh nghiệp (ERP) trên nền tảng web; giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX; nền tảng công nghệ tuyển dụng cho doanh nghiệp “TopCV for Business”; nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud; nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch ezCloud; nền tảng VNPT oneSME; siêu ứng dụng MoMo.

Top 10 “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số”. Ảnh: Nhật Sinh

Cuối cùng, Top 10 Hạng mục sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số của giải thưởng cho các sản phẩm: Giải pháp Green Data; hệ thống giao thông thông minh Elcom ITS; nền tảng công nghệ IoT – VNPT IoT Platform; nền tảng quản trị tài chính nhà nước MISA FinGov; nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot; phần mềm quản lý an sinh xã hội VNPT ASXH; phần mềm quản lý camera tập trung ViewPro; siêu ứng dụng MoMo; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC; Trusted Archive – giải pháp lưu trữ, quản trị tài liệu điện tử tin cậy.

Các ông Nguyễn Thành Hưng và Nguyễn Thiện Nghĩa tiếp tục trao giải Đồng cho 4 sản phẩm, giải pháp:

Hệ sinh thái chuyển đổi số nông nghiệp thông minh Nextfarm của Công ty cổ phần NextVision giành giải Đồng hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”; Thẻ thông minh MK SMART của Công ty cổ phần thông minh MK giành giải Đồng ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”; Giải pháp nền tảng quản trị và kinh doanh vận tải SLX của Công ty cổ phần giải pháp chuỗi cung ứng SMARTLOG giành giải Đồng ở hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số”; Hệ thống giao thông thông minh Elcom ITS của Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Elcom nhận giải Đồng hạng mục “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số”.

Ngay sau phần trao giải Đồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã trao 4 giải Vàng và 4 giải Bạc cho các đơn vị có sản phẩm xuất sắc.

Cụ thể, 4 giải Bạc ở các hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”, “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số” và “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số” lần lượt thuộc về: Metric – Nền tảng số liệu thương mại điện tử của Công ty cổ phần Khoa học dữ liệu; VieOn – Giải pháp truyền tải nội dung số trên hạ tầng Internet của Công ty cổ phần VieOn; Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS của Công ty cổ phần MISA; Siêu ứng dụng MoMo của Công ty cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến.

Bốn sản phẩm giành giải Vàng ở các hạng mục “Sản phẩm số tiềm năng”, “Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số”, “Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số” và “Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số” lần lượt là: Giải pháp phân tích và định lượng chất thải hữu cơ thông minh trong nuôi trồng thủy sản của Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam; Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 quốc gia của Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel; Nền tảng Điện toán đám mây FPT Cloud của Công ty FPT Smart Cloud; Nền tảng quản trị tài chính nhà nước – MISA FinGov của Công ty cổ phần MISA.

Thu gọn
08/12/2022 | 11:12

11h12: Doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Đại diện Công ty Tel.rec, ông Joseph Saib, chia sẻ góc nhìn từ chuyên gia công nghệ nước ngoài. Theo ông Joseph, số liệu năm 2018 cho thấy, khoảng 70% các tổ chức có những hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, 40% doanh nghiệp có ngân sách dành cho chuyển đổi số. Trên toàn cầu, khoảng 2.000 tỷ USD đã được các công ty chi cho chuyển đổi số trong năm 2019.  

Ông Joseph Saib, Tổng giám đốc Công ty Tel.red. Ảnh: Nhật Sinh

Chuyển đổi số là hiện tượng mang tính toàn cầu và là xu hướng không thể đảo ngược. Tổng đầu tư cho chuyển đổi số trên toàn cầu được dự đoán tăng lên 7.000 tỷ USD trong năm 2023. Theo ông Joseph, đây là cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt phải tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế. 

Tổng giám đốc Công ty Tel.red, LLC của Mỹ cho rằng, khát vọng mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nuôi dưỡng cũng giống như các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon trong vài thập niên trước đây. 

Ấn Độ có thể là một bài học cho Việt Nam khi họ cũng từng mạnh về việc gia công phần mềm, trước khi có sự tích lũy và vươn lên thay đổi thứ hạng của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chuyển đổi số sẽ trở thành xu hướng công nghệ mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ông Joseph khẳng định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về công nghệ và không nên bỏ lỡ cơ hội này, cần có cách tiếp cận đúng đắn cũng như chiến lược chuyển đổi số phù hợp.

Thu gọn
08/12/2022 | 11:00

11h00: Có khát vọng, niềm tin sẽ làm được những điều phi thường

Ông Hoàng Tuấn Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VMO Holdings đã chia sẻ về hành trình dấn thân của doanh nghiệp này khi đi ra thị trường quốc tế. VMO hiện có khoảng 1.200 nhân sự, có các văn phòng ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. 

Cách đây 10 năm, khi mới thành lập, VMO định vị là một công ty Global. Từ thời điểm đó, VMO đã xác định cho mình một thị trường ngách là các công ty startup tại Mỹ. VMO chỉ có mỗi khát vọng, niềm tin là bản thân sẽ làm được những điều phi thường. 

Ông Hoàng Tuấn Hải - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty VMO Holdings. Ảnh: Nhật Sinh

Theo ông Hải, khi chọn thị trường startup, VMO sẽ đối mặt với nhiều rủi ro tài chính, đổi lại công ty sẽ đươc tiếp cận với các sản phẩm mới và công nghệ hot nhất. 

Ngày đó, các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng dồn toàn lực khai phá thị trường Nhật Bản. Nhưng VMO có cách nghĩ khác khi cho rằng các thị trường là giống nhau. VMO định vị mình không còn là doanh nghiệp IT mà nhận lấy sứ mệnh là công ty tiên phong khai phá thị trường nước ngoài trong lĩnh vực outsourcing. 

Để thuyết phục khách hàng chọn Việt Nam, ông Hải cho biết VMO đã phải giải thích cho họ hiểu nước ta có nền kinh tế chính trị, ổn định, nhà nước quan tâm đến lĩnh vực CNTT. Vị thế Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng ngày càng được khẳng định. 

VMO định vị mình là người đồng hành, không phải nhà cung cấp dịch vụ, sát cánh với khách hàng ngay cả khi doanh nghiệp của họ thất bại. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp đã quay lại và đề nghị VMO góp vốn. 
Theo TGĐ VMO, điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam là trình độ ngoại ngữ, do đó rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp Ấn Độ và Âu Mỹ. Vấn đề thứ hai là tư duy phản biện. Khách hàng ngày càng có yêu cầu cao, muốn có sự phản biện và tư vấn nhiều hơn. Đây là một đặc trưng của văn hoá Âu Mỹ. 

Muốn làm việc với quốc tế, chúng ta phải có văn phòng ở nước ngoài, gặp gỡ trực tiếp và trao đổi với họ nhằm hiểu được khách hàng muốn gì. 
VMO đề xuất mô hình liên kết giữa các trường đại học và các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đưa ra chương trình đào tạo thực tiễn nhất. Thứ hai là xây dựng các hub công nghệ Việt Nam tại những thị trường công nghệ lớn. Nhà nước hãy mở các trung tâm giúp doanh nghiệp kết nối ở nước ngoài.

Thu gọn
08/12/2022 | 10:40

10h40: Chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài

Theo ông Lê Minh Hà - Giám đốc Giải pháp quốc tế (Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel), ngay từ đầu, Viettel đã có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam nhằm tăng sự chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, cũng như có thể customize sản phẩm nhanh hơn theo yêu cầu của khách hàng. 

Ông Lê Minh Hà - Giám đốc Giải pháp quốc tế (Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel). Ảnh: Nhật Sinh

Viettel đã làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong đó có hạ tầng mạng 4G và 5G. 

Về chính quyền số, Viettel đồng hành cùng các địa phương để triển khai giải pháp chuyển đổi số, trong đó có trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh, cung cấp thông tin cho lãnh đạo địa phương trong việc ra quyết định.

Trên thị trường quốc tế, tại Peru, Viettel cũng xây dựng 2 trung tâm điều hành thông minh, tiếp đến giải pháp này sẽ được triển khai ở Lào và Campuchia. 

Viettel còn tham gia tích cực vào việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số trong ngành y tế, giáo dục, thanh toán điện tử… 

Đến với diễn đàn Make in Viet Nam, Viettel đề xuất Chính phủ nên có chính sách tạo dựng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm công nghệ số nội địa. Bộ TT&TT tăng cường nhiều chương trình, xúc tiến, hợp tác quốc tế với các chính phủ, bộ ngành.

Thu gọn
08/12/2022 | 10:30

10h30: Giải bài toán tài chính nhờ công nghệ

Chia sẻ về sự phát triển của MoMo - ông Nguyễn Bá Diệp đồng sáng lập nền tảng này cho biết, vào năm 2016, MoMo chỉ có 1 triệu khách hàng, thế nhưng đến năm 2019, số khách hàng của MoMo đã tăng lên 10 triệu. Sau 2 năm đại dịch Covid-19, lượng người dùng MoMo tăng thêm 10 triệu nữa, lên thành 20 triệu. 

Ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập Ví MoMo. Ảnh: Nhật Sinh

Hiện MoMo có khoảng 2.000 nhân viên với một nửa trong số đó là các kỹ sư. Sản phẩm của MoMo được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ nhân sự Việt. 

Nhắc đến MoMo mọi người sẽ nghĩ đến đây là một ứng dụng thanh toán. Tuy nhiên ông Diệp cho rằng, MoMo thực chất là một siêu ứng dụng - super app. “Trên ứng dụng MoMo, người dùng có thể thanh toán các hóa đơn, dịch vụ hành chính công, chuyển tiền, mua sắm thương mại điện tử,...”. 

MoMo còn hướng tới việc tham gia vào quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ, các tiểu thương bằng cách cho họ thấy sự hiệu quả do chuyển đổi số mang lại trong việc thanh toán, quản lý, vận hành doanh nghiệp. 

Hiện hơn 90% dịch vụ công đã có thể thanh toán bằng MoMo trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, chiếm 37% về khối lượng giao dịch. 

Đề xuất về mô hình đổi mới sáng tạo mới, ông Diệp cho biết các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách và hành lang pháp lý. Chính phủ nên đưa ra chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp công nghệ số phát triển, ví dụ như miễn thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực này 10 năm nhằm thu hút được nhân sự giỏi từ nước ngoài trở về đất nước.

Thu gọn
08/12/2022 | 10:17

10h17: Cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để cộng đồng chung tay xây dựng đất nước

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số Việt Nam, ông Ngô Diên Hy - Phó TGĐ Tập đoàn VNPT cho rằng, Việt Nam vẫn chưa kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Sự kết nối giữa các nhà đầu tư mạo hiểm, khách hàng và startup vẫn còn hạn chế; còn nhiều bài toán phải giải trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. 

Ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc VNPT chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Nhật Sinh

Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp, ông Ngô Diên Hy cho biết, VNPT đã tích cực tham gia vào hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia, trong đó có việc xây dựng cổng dữ liệu về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia... 

Bên cạnh đó, VNPT cũng có đóng góp trong thúc đẩy kinh tế số, giúp chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng điểm như y tế, giáo dục, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng,...

Theo ông Ngô Diên Hy, thị trường trong nước còn rất nhiều bài toán để giải, từ bài toán của Chính phủ số, kinh tế số đến xã hội số. Do đó, Việt Nam cần kích hoạt được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở cho cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số cùng chung tay xây dựng đất nước.

Thu gọn
08/12/2022 | 09:50

9h50: Bộ TT&TT sẽ tiếp tục dẫn dắt lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững

Phát biểu đáp từ sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chia sẻ, Bộ TT&TT thay mặt cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số trân trọng cảm ơn những ý kiến chỉ đạo rất sát sao của Phó Thủ tướng. Bộ TT&TT mong rằng diễn đàn năm nay sẽ tiếp nối tư tưởng của các diễn đàn năm trước để hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước.

Bộ TT&TT xin được tiếp thu những ý kiến của Phó Thủ tướng, cam kết xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện đầy đủ các chỉ đạo:

Thứ nhất, chúng ta phải có khát vọng, khát vọng phải lớn và doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiên phong nhận nhiệm vụ này. Để đạt mục tiêu của đất nước vào năm 2045 như Phó Thủ tướng nói, chúng ta phải làm những việc phi thường, phải dựa trên đổi mới sáng tạo và chắc chắn công nghệ số chính là động lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo - đổi mới sáng tạo bằng công nghệ số.

Thứ hai, chúng ta phải có cái mới, nội dung mới, cách làm mới, xung lực mới. Muốn như vậy, phải thay đổi thể chế để bảo đảm cho những việc làm mới đó đúng theo quy định của pháp luật. Bộ TT&TT sẽ tiếp thu, rà soát và hoàn thiện thể chế của ngành theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Bộ TT&TT đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong phát triển nguồn nhân lực, dùng công nghệ số để đào tạo nhân lực số.

Thứ ba, Phó Thủ tướng đã ghi nhận lực lượng công nghệ số là một trong số những lực lượng quan trọng đặc biệt góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Cộng đồng doanh nghiệp số tự hào với sự đánh giá, ghi nhận của Phó Thủ tướng. Thay mặt cộng đồng, chúng tôi cam kết tập trung nỗ lực phát triển, thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư, thị trường trong nước phải tiếp tục được khai phá, với việc đổi mới cách làm, chuyên nghiệp và chất lượng như cách đặt vấn đề của Phó Thủ tướng. Lấy thị trường trong nước làm bàn đạp để đi ra nước ngoài.

Thứ năm, mạnh dạn bước ra nước ngoài, tiến hành đội ngũ đông và có các doanh nghiệp chủ lực dẫn dắt.

Định hướng của Phó Thủ tướng là kim chỉ nam nhưng cũng là sự cổ vũ, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số.

Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh giai đoạn trước ngành bưu chính viễn thông được giao sứ mệnh tiên phong, ngày hôm nay công nghiệp công nghệ số cũng được giao sứ mệnh là một trong những lực lượng tiên phong của đất nước nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ TT&TT sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, với tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp cho người dân hạnh phúc và đất nước phát triển.

Thu gọn
08/12/2022 | 09:20

9h20: Các doanh nghiệp nòng cốt cần cùng nhau mở đường cho đổi mới

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Chúng ta xác định muốn đất nước đi lên thành một nước công nghiệp có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại thì phải làm nhiều việc phi thường. Mục tiêu đặt ra từ 2020 – 2030 phải tăng trưởng 7%/năm. Để thoát bẫy thu nhập trung bình thấp thì phải như vậy. Việc này không đơn giản, không duy ý chí nhưng phải có những giải pháp rất đặc biệt, những khát vọng mãnh liệt, những khát vọng mà trong cộng đồng CNTT 20 năm trước chúng ta đã từng có.
 
Chúng ta phải khơi dậy khát vọng mãnh liệt trong cả xã hội, giống như khát vọng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bây giờ là khát vọng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, dứt khoát Việt Nam không thể nghèo mãi. Khi đã thành khát vọng thì phải ra những sức mạnh, động lực mới. Ở đây có thể là cách làm mới, xung lực mạnh mẽ hơn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Nhật Sinh


Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các vấn đề phải giải quyết. Cụ thể là: thay đổi thể chế, vướng mắc từ các thông tư, Nghị định, luật pháp phải thay đổi mạnh mẽ.
 
Hai là phải tập trung hơn vào nhân lực. Đây là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực CNTT. Với mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT, chúng ta phải có giải pháp đặc biệt và đột phá trong đào tạo thì mới thực hiện được. Chẳng hạn, Đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo như trước đây mà có thể đạt mục tiêu 1 triệu nhân lực. 
 
Ba là phải tìm ra cái mới, còn dư địa. Giờ đây nhiều người kỳ vọng vào chuyển đổi số, vào công nghiệp CNTT và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ mà không đi vào các mũi nhọn mới của thế giới, trong đó có CNTT thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm. 

Phó Thủ tướng cho biết không phải tất cả mọi kỳ vọng đặt hết lên vai giới CNTT nhưng đây là một trong những lực lượng đặc biệt quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống nghèo đói. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là con số thách thức nhưng có thể làm được. Chúng ta chỉ còn 7 – 8 năm thực hiện mục tiêu và không thể không làm. CNTT là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được đến vậy không.
 
Điều mừng là Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. “CNTT còn dư địa phát triển lớn. Đây chính là cơ sở cùng thống nhất để dám đặt ra mục tiêu lớn như vậy. Chúng ta còn dư địa nhưng không được quá mơ mộng, chỉ có thể biến nó thành hiện thực bằng các hành động thật”, Phó Thủ tướng nói.
 
Phó Thủ tướng cho biết, công nghiệp CNTT đã có một vị trí quan trọng. Doanh thu năm qua đạt 135 tỷ USD, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD nhưng chủ yếu là phần cứng và của doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%. Đến nay, Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp nhưng doanh thu chỉ xấp xỉ 5 tỷ USD, đa phần ở các doanh nghiệp lớn.
 
Tôi mừng khi hôm nay thấy rất nhiều gian hàng triển lãm có thêm nhiều doanh nghiệp mới, đột phá. Ngoài các doanh nghiệp lão làng, có vai trò định hướng, dẫn dắt ban đầu, cần cùng nhau tạo sân chơi, đoàn kết tạo thành sức mạnh. Chúng ta mạnh dạn hơn để bước ra nước ngoài với tinh thần tự tin. Phải kết nối cùng nhau để thành một đội ngũ chứ không thể đi ra ngoài một cách đơn lẻ.
 
Trong khi đó, cần xác định là dư địa thị trường trong nước còn rất lớn. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam. Với thị trường trong nước phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ. 
 
“Thị trường nước ngoài là vô tận, vậy thì chúng ta phải cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách đi. Nhưng dù là trong nước hay ngoài nước thì phải hình thành đội ngũ. Tôi mong muốn các hiệp hội phát triển mạnh hơn và làm đúng vai trò của mình. Các doanh nghiệp nòng cốt cần cùng nhau, bằng danh dự những người đi đầu, bước thẳng vào kỹ thuật số, mở đường cho đổi mới. Bước sang giai đoạn mới phải phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Lịch sử lại giao cho giới CNTT sứ mạng là một trong những mũi nhọn mở đường trong sự nghiệp đưa đất nước thoát nghèo và người dân phải sống hạnh phúc hơn.

Thu gọn
08/12/2022 | 09:05

9h05: "Quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp"

Chia sẻ về con đường vươn ra biển lớn của FPT, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT kể về thất bại của tập đoàn này 20 năm trước. 

Năm 1999, thị trường Mỹ chưa biết Việt Nam là ai, năng lực công nghệ của chúng ta như thế nào. Do đó FPT đã thất bại. Tuy nhiên, ước mơ xuất khẩu phần mềm của FPT còn nguyên và sau đó đã hướng sang thị trường Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT. Ảnh: Nhật Sinh

Trong 17 năm, FPT đã chuyển dịch được hàm lượng gia công, trước đây là 99%, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Tại Châu Âu, FPT đang nghiên cứu những giải pháp giúp tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió. 

Trong nước, FPT cũng có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài. 

Theo ông Khoa, CNTT sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động của các doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt khi chúng ta nỗ lực để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Việt Nam phải có một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số. 

Tổng giám đốc FPT đề xuất quốc gia cần có những bài toán lớn cho doanh nghiệp, thúc đẩy ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực CNTT. Chúng ta cần đẩy mạnh thương hiệu số quốc gia và phát triển nguồn nhân lực. Với tập đoàn FPT, mục tiêu riêng là cán mốc 1 triệu kỹ sư CNTT.

Thu gọn
08/12/2022 | 08:55

8h55: Kinh tế số đóng góp 10% GDP tại Việt Nam

Chia sẻ về sự phát triển của kinh tế số gắn với cơ sở hạ tầng số, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho biết, vào năm 2021, quy mô kinh tế số là 586 tỷ USD, nhưng chỉ khai thác được 30% so với tiềm năng. Tại Việt Nam, kinh tế số mới đóng góp 10% GDP. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 3.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. 

Hạ tầng số Việt Nam tương đối tốt nhưng về chính sách và năng lực cạnh tranh mới ở giai đoạn tiềm năng. Do đó, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng số. Chúng ta vẫn còn có những khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, do vậy cần có sự thay đổi chính sách nhanh hơn. 

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: Nhật Sinh

Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí cửa ngõ của Đông Nam châu Á. Tuy nhiên, chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng của mình, có thể thấy điều đó qua số lượng tuyến cáp quang biển cập bờ (8 đường). Nếu muốn trở thành “digital hub” của khu vực, Việt Nam phải có nhiều tuyến cáp quang biển cập bờ hơn nữa. Việt Nam là quốc gia trẻ với năng lực về toán của học sinh, sinh viên rất tốt. Đây cũng là thế mạnh nên tận dụng. 

Chia sẻ kiến nghị nhằm thúc đẩy hạ tầng điện toán đám mây, ông Chính cho rằng, Chính phủ cần coi hạ tầng số - hạ tầng Cloud như là hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số. Cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cao nhất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước (đặt hàng sử dụng) và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số.

Thu gọn
08/12/2022 | 08:35

8h35: “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có trách nhiệm và sứ mệnh quốc gia lớn lao”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất  năm 2019 đã đưa cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sang một giai đoạn mới, đó là Make in Viet Nam - “Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Tại Diễn đàn lần thứ 2 năm 2020, chúng ta đã trịnh trọng tuyên bố: “Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường và thịnh vượng”.

Diễn đàn lần thứ 3 năm 2021 đã đặt ra được các bài toán chuyển đổi số quốc gia cần giải và sứ mệnh của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc xây dựng các nền tảng chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 là năm hành động quyết liệt và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số thực hiện chuyển đổi số quốc gia tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh: Nhật Sinh

Với quyết tâm đó, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số là trên 70.000. Xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.

Tại diễn đàn năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT  đã nhận nhiệm vụ trước Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đưa người dân lên môi trường số. Tại diễn đàn này, chúng ta khẳng định, với sự sự dẫn dắt của Bộ TT&TT, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ trưởng đã hứa với Thủ tướng Chính phủ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với những sứ mệnh và tầm nhìn mới.

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có trách nhiệm và sứ mệnh quốc gia lớn lao. Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia  và đi ra toàn cầu. Lấy chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lấy thị trường trong nước là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trưởng thành và đi ra toàn cầu.

Như một thông lệ, Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức tháng 12 hàng năm. Tháng 12 cũng là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số: Ngày Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 12/12.

Tháng 12 cũng là thời điểm chúng ta nhìn lại, tổng kết đánh giá sự phát triển của ngành, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua việc trao Giải thưởng sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022. Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Những sản phẩm đã đạt giải năm 2021 đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Nhiều Sản phẩm số đã tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, vươn dần vươn ra thi trường quốc tế.

Đặc biệt là, sản phẩm Mesh Wi-Fi của VNPT - giải Vàng sản phẩm số xuất sắc 2021 đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm. Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS - giải Bạc nền tảng số xuất sắc, đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số.

Hay hệ thống giám sát sâu rầy thông mình của Rynan - giải Bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, hiện mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và đặc biệt trong năm 2022 sản phẩm đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.

Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022. Ảnh: Nhật Sinh

Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các doanh nghiệp có sản phẩm sẽ được trao giải thưởng năm 2022. Hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục sáng tạo nhiều hơn nữa những công nghệ, sản phẩm số mới có tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội và mở rộng khả năng đi ra thế giới.

Trong Diễn đàn này, tôi mong muốn các diễn giả cùng các doanh nghiệp tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm Phát triển doanh nghiệp công nghệ số VIệt Nam bền vững, làm chủ thị trường trong nước và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể là, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các lời giải hay, hiệu quả, tối ưu cho việc Doanh nghiệp công nghệ số tiến ra thị trường thế giới, thực hiện chuyển đổi số cho thế giới, mang việc của thế giới về Việt Nam.

Trao đổi thảo luận, đề xuất về thể chế thuận lợi để thị trường Việt Nam là cái nôi và bàn đạp cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài, mang trí tuệ Việt Nam đi mở cõi.

Chia sẻ kinh nghiệm doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam là điểm đến cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào hoạt động công nghiệp công nghệ số.

Đồng thời, Diễn dàn cũng mong nhận được sự chỉ đạo, định hướng của Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ cũng sự góp ý của các quý vị đại biểu.

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ IV với chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Thu gọn
08/12/2022 | 08:30

8h30: Khách tham quan triển lãm

VFTE 2022 có hơn 20 gian hàng triển lãm đến từ các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ mới ở nhiều lĩnh vực.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian hàng tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022). Ảnh: Thái Khang
Thu gọn