Sau 2 năm không thể trình diễn trước khán giả yêu nhạc cả nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Điều còn mãi 2022 trở lại với chủ đề Khát vọng Việt Nam. Cũng giống như các thế hệ cha ông xưa đã đấu tranh giành lại độc lập từ kiếp lầm than nô lệ, những mất mát, khó khăn của một chặng đường dài chống dịch không khiến những người con đất Việt chìm vào đau thương mà ngược lại đã thổi bùng lên khát vọng mãnh liệt được sống, được hồi sinh và xây dựng đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng. 

Chương trình năm nay có sự tham gia của nhạc sĩ Quốc Trung trong thành phần ban cố vấn với sự đồng hành của nhạc trưởng Lê Phi Phi cùng Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Hợp xướng Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Điều còn mãi 2022 giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng: Dáng đứng Việt Nam, Bài ca hy vọng, Hà Nội ngày trở về, Hoa huệ trắng và Bài ca người chiến sĩ áo trắng, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Đất nước tình yêu, Người là niềm tin tất thắng, Biển hát chiều nay, Em có nghe âm thanh ngày mới, Sống như những đóa hoa.

Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ: Thanh Lam, Tùng Dương, Đăng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc, Đào Mác, Trần Trang, Trang Bùi và Mỹ Anh - con gái nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh. 

Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn chào đón những vị khách quý đến với hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022.

Theo thông lệ, trước khi hòa nhạc bắt đầu sẽ có chương trình gặp gỡ cách khách mời, nhân sĩ trí thức, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Nhà Gương của Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ hơn 1h chiều, Tổng biên tập Báo VietNamNet - nhà báo Phạm Anh Tuấn đã đón tiếp nhiều vị khách quý đến với Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 như ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Đại sứ Phạm Quang Vinh,  Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Marc E. Knapper, Đại sứ Palestine tại Việt Nam - ông Saadi Salama, ông Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.... 

Các vị khách quý dõi theo buổi hoà nhạc.

14h: Chương trình bắt đầu với lễ chào cờ trên nền Quốc ca Việt Nam (nhạc sĩ Văn Cao) do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. MC của chương trình là Mỹ Lan. 

14h03: Nhà báo Phạm Anh Tuấn lên sân khấu phát biểu khai mạc chương trình. "12 năm qua, chương trình hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi đã thông qua âm nhạc để làm sống lại mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc vào đúng thời khắc thiêng liêng 2h chiều ngày 2/9. Năm nay, sau những ngày dài đất nước phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, Điều còn mãi trở lại, mong muốn truyền đi một thông điệp xuyên suốt và cũng là chủ đề của chương trình: Khát vọng Việt Nam.

Điểm khởi đầu của mọi thành tựu luôn là khát vọng. Một khát vọng được cộng hưởng có sức mạnh vĩ đại, có thể đẩy lùi mọi khó khăn, thách thức và đạt tới những thành tựu lớn lao. Khát vọng được sống, được hồi sinh của mỗi người dân trong đại dịch đã giúp chúng ta vượt qua và hồi phục mạnh mẽ là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Và hôm nay, Chúng ta hòa nhịp cùng âm nhạc đỉnh cao của nền âm nhạc Việt Nam nhằm khơi dậy khát vọng lớn lao: vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc", nhà báo Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập báo VietNamNet nói. 

Khán giả dưới khán phòng Nhà hát Lớn chăm chú theo dõi hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022. 

14h07: Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng thời khắc vô cùng ý nghĩa của cả dân tộc Việt Nam ngày 2//9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc tuyên bố độc lập với quốc dân và nhân dân thế giới vẫn còn vang vọng, khắc ghi sâu đậm trong trái tim mỗi chúng ta. Hình ảnh đó đã từng được tái hiện qua ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch, và giờ được làm mới lại qua một tác phẩm khí nhạc.

Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn tác phẩm Người về đem tới ngày vui (Nhạc sĩ Trọng Bằng) dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Nhà báo Phạm Anh Tuấn phát biểu mở màn hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022. 

 14h18: Hơn 2 năm vừa qua, đất nước đã trải qua một cuộc chiến không có tiếng súng, nhưng cũng rất nhiều mất mát, Chiến thắng được cuộc chiến này phải kể đến sự nỗ lực, vất và hy sinh thầm lặng của biết bao chiến sĩ áo trắng trên khắp cả nước. Hòa nhạc Điều còn mãi xin được tri ân những chiến sĩ áo trắng – những người con dù ở thời bình hay thời chiến đều: “Dù có phải quên mình vì bệnh nhân/ Chúng ta đi mang niềm vui/ Và sức sống mới đến với muôn người".

Hai tiết mục tiếp theo của nhạc sĩ Hoàng Vân là Hoa huệ trắngBài ca người chiến sĩ áo trắng do nhạc sĩ Trọng Đài phối khí được thể hiện bởi hai ca sĩ Trần Trang, Trang Bùi và Hợp xướng nữ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi - con trai nhạc sĩ Hoàng Vân, chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam. 

 14h26: Người dân Hà Nội và cả nước không thể nào quên một trang sử hào hùng của Thủ đô trong 12 ngày đêm chống trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 tháng 12/1972). Ngay khi tiếng bom ngưng, máy bay địch rút chạy, thành phố trở lại bình yên, nhạc sĩ Phan Nhân ngồi vào đàn để tấu lên những nốt nhạc đầu tiên của một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội. Hà Nội kiên cường ấy vẫn luôn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng của cả dân tộc.

Tác phẩm Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân) do Lê Bằng chuyển soạn cho đàn dây, Dàn dây Dàn nhạc Giao hưởng trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Tiết mục kết thúc với tràng pháo tay không ngớt vì quá thành công. 

Hợp xướng nữ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Ca sĩ Trần Trang 

14h34: Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước từng kể rằng trước cảnh bị địch hành hạ nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, những người tù chính trị ở Côn Đảo đã hát vang Bài ca hy vọng đến mức bọn cai tù đổ vôi bột xuống hầm không cho hát nữa. Bài ca đó cũng đã theo những người chiến sĩ ra chiến trường, tiếp thêm sức mạnh cho họ. Nhạc sĩ Văn Ký đã ra đi nhưng Bài ca hy vọng vẫn mãi chắp cánh cho những niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

Ca khúc Bài ca hy vọng (nhạc sĩ Văn Ký) được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí với sự thể hiện của ca sĩ Phạm Khánh Ngọc và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Dàn dây Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam. 
Ca sĩ Phạm Khánh Ngọc

14h40: Hà Nội không chỉ là niềm tự hào, trái tim của cả nước mà có một Hà Nội rất gần gũi và giản dị dù đi xa mấy đều muốn quay về. Có một nhạc sĩ luôn đau đáu về Hà Nội, luôn mong về Hà Nội bằng cả trái tim, đó chính là cố nhạc sĩ Phú Quang. "Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ/ Tôi vội vã trở về/ Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen/ Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ". 

Ca khúc Hà Nội ngày trở về (nhạc sĩ Phú Quang) do nhạc sĩ Lưu Hà An phối khí với sự trình diễn của ca sĩ Vũ Thắng Lợi và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi  

14h49: Tài sản lớn nhất của dân tộc Việt chính là tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí kiên cường, bất khuất. Tinh thần và ý chí quật cường của thế hệ đi trước truyền sức mạnh cho các thế hệ sau này và trường tồn đến tận bây giờ. Bao thế hệ học sinh, sinh viên đã nằm lòng ý thơ: "Anh giải phóng quân ơi tên anh đã thành tên đất nước/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân/ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Dáng đứng tự hào dáng đứng Việt Nam". 

Ca khúc Dáng đứng Việt Nam (Nhạc: Nguyễn Chí Vũ - Lời thơ: Lê Anh Xuân) do Trần Mạnh Hùng phối khí được trình diễn bởi NSƯT Thanh Lam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. 

Màn biểu diễn thăng hoa của diva Thanh Lam.

14h55: Kết thúc phần 1 với phóng sự về hành trình 13 năm của hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi.

Hai phóng sự về hòa nhạc Điều còn mãi

15h05: Phần 2 của hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022 

Từ khi bắt đầu xây dựng chương trình hòa nhạc Điều còn mãi hơn 10 năm trước, những người làm chương trình luôn muốn giới thiệu tới những người yêu nhạc những tác phẩm tiêu biểu của âm nhạc truyền thống, như là một cách để giữ gìn, nâng niu âm nhạc cổ truyền, đồng thời thổi vào đó làn gió mới với phong cách trình diễn hoàn toàn mới của dàn nhạc giao hưởng.  

Tiết mục dân ca quan họ Xe chỉ luồn kim được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng được thể hiện bởi các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. 

15h12: Bên cạnh những tác phẩm kinh điển trong kho tàng nhạc Việt, Điều còn mãi cũng luôn bắt kịp thời đại qua việc giới thiệu các tác phẩm “trẻ” của những người “trẻ”. Họ chính là sức sống, tương lai của đất nước với triết lý sống giản đơn mà đẹp đẽ: "Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời/ Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời/ Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn/ Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi". 



Ca khúc Sống như những đóa hoa (Tạ Quang Thắng) do nhạc sĩ Lưu Quang Minh phối khí với sự thể hiện của ca sĩ Mỹ Anh cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Mỹ Anh là ca sĩ trẻ nhất tham gia chương trình Điều còn mãi, đại diện cho thế hệ Gen Z. Dù lần đầu biểu diễn tại hòa nhạc Điều còn mãi nhưng con gái nhạc sĩ Anh Quân và ca sĩ Mỹ Linh đã thể hiện rất thành công. 

Mỹ Anh lần đầu biểu diễn ở hòa nhạc Điều còn mãi. 
Nhạc trưởng Lê Phi Phi ôm Mỹ Anh trên sân khấu để chúc mừng sau tiết mục của nữ ca sĩ. 

15h18: Hai tiếng Việt Nam sẽ không bao giờ là đủ khi mỗi chúng ta nói về tình yêu tổ quốc. Trải qua nhiều thăng trầm, gian khó, con người Việt Nam ngày càng mạnh mẽ tiến lên cùng nhau xây dựng đất nước phồn thịnh. Dù có đi đâu, làm gì hai tiếng Việt Nam vẫn mãi thiêng liêng. 

Ca khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam của nhạc sĩ Chu Minh do nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi phối khí được trình bày bởi ca sĩ Đào Mác và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. 

Ca sĩ Đào Mác

15h24: Tình yêu chính là sức mạnh trái tim giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù. Những năm tháng chiến tranh, tình yêu của những chàng trai, cô gái được đặt trong tình yêu đất nước với khát vọng hòa bình, để rồi cùng nhau xây dựng một tương lai giàu đẹp. Tình yêu ấy sẽ chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm. Đó là một tình yêu nồng nàn tha thiết từ tiếng gọi của tổ quốc.

Tác phẩm Đất nước tình yêu (Lệ Giang), phối khí: Trần Mạnh Hùng do ca sĩ Phạm Thu Hà biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy: Lê Phi Phi. 

15h30: Nét đặc biệt của Điều còn mãi năm nay chính là chuyển thể một tác phẩm dân gian đương đại lên sân khấu hòa nhạc. “Con cò” đối với người Việt gắn với hình ảnh lầm lũi, gian khó, nhưng “Con cò” trong tác phẩm của Lưu Hà An lại khát khao bay lên những chân trời mới, bay về phía mặt trời. Đó cũng là biểu trưng cho ý chí mạnh mẽ vươn lên của người dân Việt Nam.

 

Ca sĩ Tùng Dương

Trở lại sân khấu hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi năm nay, ca sĩ Tùng Dương thể hiện tác phẩm Con cò (Lưu Hà An) - ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của anh bấy lâu này với bản phối khí của nhạc sĩ Quốc Trung rất tinh tế và đầy cuốn hút. 

15h38: Tác phẩm Biển hát chiều nay không chỉ là những xúc cảm, những rung động trước vẻ đẹp của biển đảo Tổ quốc thiêng liêng mà nhạc sĩ còn gửi gắm trong đó triết lý về sợi dây liên hệ giữa biển và con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng nói: “Tâm hồn người Việt cũng giống như bãi biển sớm mai trong trẻo, tinh tươm, dẫu trải qua bao giông tố vẫn đè nén những đau thương để bật lên được đức tính nhân hậu, vị tha. Mỗi người dân trước những biến cố lớn lao của đất nước, vẫn ‘dịu dàng’ tìm ra con đường chân lý, hòa bình”. 

Ca khúc Biển hát chiều nay (Hồng Đăng) do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí với sự trình diễn của ca sĩ Đào Tố Loan và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, chỉ huy: nhạc trưởng Lê Phi Phi. 

15h45: "Âm thanh mới ngân vang trong dòng tên Tổ quốc/ Đang chuyển rung tiếng vang/ Non sông yêu dấu của ta ngàn đời vinh quang/ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Những âm thanh thiêng liêng và tự hào nhất trong mỗi chúng ta chính là Tổ quốc Việt Nam. Khi những giai điệu này cất lên, dù ở phương trời nào thì những người con Việt Nam đều một lòng hướng về tổ quốc.

Ca khúc Em có nghe âm thanh ngày mới (Nguyễn An) do Lưu Quang Minh phối khí, ca sĩ Đăng Dương biểu diễn cùng Hợp xướng nữ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

15h50: Cũng vào ngày này hơn 50 năm trước, Bác Hồ kính yêu đã đi xa. Cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là di sản vĩ đại, thiêng liêng. Người dấn thân để tranh đấu cho độc lập, tự do, Người dâng hiến cả cuộc đời mình cho hạnh phúc của nhân dân, và bởi thế, Người hy sinh cả cuộc sống riêng tư để hóa thân vào dân-nước, Tổ quốc và nhân loại. Thế hệ trẻ hôm nay với trái tim nhiệt huyệt và đầy lý tưởng đang tiếp bước lời dạy của Bác.

Tác phẩm Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh) do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí, ca sĩ Đăng Dương, biểu diễn cùng Hợp xướng nữ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Đây là tiết mục khép lại hòa nhạc Điều còn mãi 2022. 

Đăng Dương là ca sĩ duy nhất biểu diễn 2 tiết mục liên tiếp tại hòa nhạc Điều còn mãi 2022.

15h57: MC Mỹ Lan ra sân khấu chào kết cùng sự trở lại của các nghệ sĩ tham gia hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi 2022. Tổng biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn - Trưởng BTC hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi và ông Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông lên sân khấu tặng hoa các nghệ sĩ. 

VIETNAMNET

Ảnh: Hoàng Hà - Nhật Sinh