Ngày 12/7, tại Tòa án quân sự Thủ đô diễn ra phiên tòa xét xử các cựu sỹ quan quân đội nhận hối lộ của trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu.

Theo cáo buộc, Phan Thanh Hữu và ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4) quen biết nhau từ trước, đến năm 2017, Hữu đến gặp ông Minh để liên hệ thuê bồn chứa dầu của Vùng Cảnh sát biển 4 tại Phú Quốc, Kiên Giang, nhưng không thuê được.

Từ đó, trùm buôn lậu xăng và cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 thỉnh thoảng liên lạc hỏi thăm nhau.

Tận dụng mối quan hệ với ông Minh, Hữu nhờ cựu Thiếu tướng giúp bảo kê việc buôn lậu xăng và không quên cám ơn bằng tiền.

Các bị cáo tại tòa

Trả lời thẩm vấn tại tòa, ông Minh khai nhiều lần nhận tiền từ Hữu, con số chính xác bị cáo không nhớ, nhưng bị cáo chấp nhận con số trong cáo trạng. 

Cáo buộc cho rằng, vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Minh đã trực tiếp và thông qua vợ, con nhận của “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.

Theo lời khai của ông Minh, thỉnh thoảng bị cáo vào Sài Gòn, Hữu đến gặp và cho quà. “Bị cáo quen biết ông Hữu, thấy ông ý là người hiền lành tử tế...”, lời khai của bị cáo Minh.

Tại tòa, vợ ông Minh là bà Trần Thị Liên, người đã nhận tiền từ Hữu trình bày: "Chuyện xảy ra thật sự đau đớn, tôi xin thành thật xin lỗi".

Cáo trạng cho rằng, bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, Trưởng phòng Xăng dầu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) thông qua công việc đã quen biết và góp 5 tỷ đồng tiền vốn để cùng Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Trọng “dầu” tổ chức buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III, có giá trị hơn 2.794 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, thông qua hoạt động buôn lậu, ông Thoại đã thu lợi hơn 22 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Thoại khai, khi góp vốn, thời gian đầu bị cáo không biết đấy là buôn lậu xăng, nghĩ đơn giản đó là góp vốn kinh doanh. Sau đó, bị cáo mới lờ mờ nhận biết hoạt động buôn lậu.

Theo lời khai của ông Thoại, thời điểm đó bị cáo chuẩn bị nghỉ hưu, số tiền thu được từ việc góp vốn làm ăn với Hữu giúp bị cáo có được thu nhập lớn so với lương hưu. Và để có tiền góp vốn với “trùm” buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu, bị cáo thậm chí đã phải bán nhà để gom tiền.

Đổi lại, sau khi góp vốn, bị cáo được chia lợi nhuận ít nhất là 250 triệu đồng/tháng, nhiều nhất là hơn 3 tỷ đồng/tháng.

“Tổng cộng bị cáo thu lợi nhuận được 22,3 tỷ đồng... Tiền được nhận lúc ở quán cà phê, khi thì ở công ty của Hữu, toàn nhận tiền mặt hết”, ông Thoại khai.

Vợ chồng cựu tướng quân đội nhận hối lộ

Trong vụ án này, vợ chồng ông Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3), bà Phan Thị Xuân (SN 1964, vợ bị cáo Thanh) cùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ".

Các bị cáo tại tòa

Theo cáo buộc, sau khi được Phan Thanh Hữu nhờ giúp đỡ, ông Thanh biết Hữu có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng qua các vùng biển mà bị cáo có nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn và thực thi pháp luật.

Nhưng vì động cơ vụ lợi, bị cáo đã giúp đỡ Hữu và để vợ nhận của “trùm” buôn lậu xăng 1,8 tỷ đồng.

Đổi lại ông Thanh tạo điều kiện cho Hữu thực hiện việc vận chuyển xăng lậu trên biển trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến/tháng không bị bắt giữ, xử lý. 

Tại tòa, ông Thanh khai, việc Hữu đưa tiền cho vợ, bị cáo không được Hữu cho biết. Bị cáo và Hữu chỉ có 1 lần gặp nhau duy nhất vào tháng 2/2021, khi Hữu đến nhà, ngoài ra không có mối liên hệ nào.

“Khoản tiền Hữu đưa cho vợ bị cáo, theo cá nhân bị cáo đó là tiền hối lộ”, ông Thanh khai.

Về phần mình, bà Xuân biết rõ chức vụ, vị trí công tác của chồng, được “trùm” buôn lậu Phan Thanh Hữu chỉ đạo Lê Hoàng Anh đưa tiền cho hàng tháng là nhằm hối lộ cho chồng.

Dù vậy, trong thời gian từ tháng 3/2020- 1/2021, bà đã 11 lần nhận của Phan Thanh Hữu 1,8 tỷ đồng.

Tại tòa, bà Xuân khai, Phan Thanh Hữu từng đến nhà bà, xin số điện thoại của bà. Bị cáo cũng thừa nhận việc đã nhận từ Hữu 1,8 tỷ đồng. Một lần, bà đã thông báo cho chồng biết việc này, nhưng ông Thanh không nói gì.

T.Nhung