{keywords}
Các nhà đầu tư vào Didi có khả năng phải gánh chịu tổn thất tài chính từ cuộc điều tra của Trung Quốc. (Ảnh: Handout)

Phòng Đánh giá An ninh không gian mạng, một bộ phận quan trọng thuộc Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), vừa công bố điều tra Didi Chuxing vì các vấn đề an ninh quốc gia, chỉ hai ngày sau khi ứng dụng gọi xe này niêm yết trên sàn chứng khoán New York (Mỹ).

CAC còn ra lệnh cho các chợ ứng dụng gỡ Didi khỏi nền tảng. Sau đó, văn phòng tiếp tục thông báo mở cuộc điều tra tương tự với ứng dụng gọi xe tải Yunmanman và Huochebang cũng như ứng dụng tuyển dụng của Boss Zhipin.

Các cuộc điều tra mở ra mặt trận mới trong trận chiến giám sát những “ông lớn công nghệ” của Trung Quốc, tăng thêm bất an cho những doanh nghiệp trong nước đang muốn phát hành cổ phiếu tại Mỹ.

Đây là lần đầu tiên Phòng Đánh giá An ninh không gian mạng thể hiện sức mạnh trước một công ty công nghệ lớn. Phòng được thành lập năm 2020 với sự phối hợp của 12 bộ ngành. Nó khác với các cuộc điều tra giá bán hay chống độc quyền trước đây vào Big Tech tại Trung Quốc. Cơ quan phụ trách điều tra Didi là Phòng Đánh giá An ninh không gian mạng, không phải Cơ quan Quản lý thị trường Nhà nước. Nguyên nhân điều tra là lo ngại an ninh quốc gia, nghiêm trọng hơn nhiều so với hành vi độc quyền và bất thường trong giá bán.

Theo Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, cuộc điều tra Didi bắt nguồn từ lo lắng bảo mật, đặc biệt liên quan tới vấn đề chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Còn theo Giáo sư Luật Henry Gao của Đại học Quản trị Singapore, tính chất của cuộc điều tra – xoay quanh an ninh quốc gia – làm nó trở nên nghiêm trọng hơn.

Cuộc điều tra sẽ tạo tiền lệ cho văn phòng khi theo đuổi các hãng Big Tech khác. Tất cả các hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc nay có thêm một cơ quan giám sát mới, một vấn đề cần tuân thủ mới và một nguy cơ pháp lý nghiêm trọng hơn.

Điều gì sẽ xảy ra với Didi?

Theo Quy định Đánh giá an ninh mạng Trung Quốc được giới thiệu năm 2020, cuộc đánh giá thường kéo dài 45 ngày làm việc song có thể gia hạn, không bao gồm thời gian công ty gửi giấy tờ phục vụ điều tra. Điều đó đồng nghĩa có khả năng mất vài tháng mới hoàn tất điều tra.

Kịch bản tốt nhất cho Didi là cuộc đánh giá không tìm thấy rủi ro an ninh quốc gia và ứng dụng Didi có thể được tải về lần nữa. Kịch bản xấu nhất, theo ông Zhang, là phán quyết dẫn đến Didi phải hủy niêm yết tại Mỹ. Công ty có thể bị ra lệnh tạm dừng hoạt động để chấn chỉnh và kết quả là đánh mất vị trí dẫn đầu.

Chưa rõ liệu các cơ quan khác của Trung Quốc như cơ quan chống độc quyền, cơ quan giao thông vận tải, cơ quan ngân hàng, cơ quan người lao động có tham gia hay không. Nếu điều đó xảy ra, “họ có thể điều tra tất cả các loại hoạt động và tình hình trở nên hỗn loạn”.

Hiện tại, CAC cáo buộc Didi vi phạm quy định và luật pháp Trung Quốc về thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Theo quy định đánh giá an ninh mạng, nếu Didi bị phát hiện bán sản phẩm, dịch vụ có vấn đề, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, họ có thể bị phạt tối đa 10 lần giá trị hàng hóa và phải thay thế những sản phẩm, dịch vụ này.

Sau khi Bắc Kinh mở thêm các cuộc điều tra vào Yunmanman, Huochebang và một ứng dụng tuyển dụng – tất cả đều đã IPO tại Mỹ vào tháng trước, người ta suy đoán cuộc điều tra an ninh mạng có thể lan sang nhiều công ty công nghệ hơn, đặc biệt là những ai đã và đang chuẩn bị IPO tại Mỹ.

Ai bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra?

Các nhà đầu tư chứng khoán phải sẵn sàng trước bất kỳ kịch bản nào đến với Didi. Hai công ty hậu thuẫn lớn nhất – SoftBank và Didi – cũng vậy. Hai cổ đông sáng lập Wei Cheng và Jean Qing Liu đang ở tâm bão song còn quá sớm để nói họ có tổn thất cá nhân nào không.

Những tài xế và hành khách đã tải ứng dụng Didi về điện thoại vẫn được tiếp tục sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, cuộc điều tra tạo cơ hội cho các dịch vụ gọi xe khác của Trung Quốc mở rộng thị trường. Didi đang chiếm khoảng 90% thị phần, 210 người chơi khác giành nhau 10% thị phần còn lại.

Vì sao Bắc Kinh điều tra Didi?

Không rõ vì sao Bắc Kinh quyết định mở cuộc đánh giá an ninh mạng vào Didi hai ngày sau khi hãng này IPO tại Mỹ. Phó Chủ tịch Didi phủ nhận cáo buộc trên mạng rằng Didi chuyển dữ liệu người dùng Trung Quốc sang Mỹ.

Văn phòng Đánh giá an ninh mạng chỉ cho biết cuộc điều tra nhằm duy trì an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích công chúng. Song, cùng lúc này, một bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu tranh luận Nhà nước, không phải Big Tech, nên là người ra quy định thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Nếu như vậy, dường như cuộc điều tra và trừng phạt Didi là nhằm răn đe khu vực tư nhân không được sở hữu nhiều dữ liệu hơn Nhà nước.

Du Lam (Theo SCMP)

Công ty được Trung Quốc hậu thuẫn mua nhà máy chip lớn nhất Anh quốc

Công ty được Trung Quốc hậu thuẫn mua nhà máy chip lớn nhất Anh quốc

Theo hai nguồn tin của CNBC, nhà sản xuất chip lớn nhất Anh quốc – Newport Wafer – sẽ bán mình cho công ty bán dẫn Nexperia của Trung Quốc với giá 87 triệu USD vào tuần tới.