Với mong muốn tạo ra một không gian mạng có trách nhiệm, Trung Quốc đã thi hành các chính sách đăng ký tài khoản trực tuyến bằng tên thật. Cụ thể, nhằm duy trì trật tự xã hội, luật pháp địa phương và quốc gia yêu cầu người dùng Internet, đặc biệt là blogger, đăng ký tên thật và thông tin cá nhân với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Nó phản ánh quan điểm của chính phủ rằng cá nhân phải chịu trách nhiệm đối với các nội dung đăng trên mạng.
Để kiểm soát thông tin trực tuyến, chính phủ giao trách nhiệm cho các công ty Internet hoặc ISP theo hai nguyên tắc “xã hội hài hòa” và “trách nhiệm xã hội”. Theo nghiên cứu “Real-Name Registration Rules and the Fading Digital Anonymity in China” của hai tác giả Jyh An Lee và Ching Yi Liu, rõ ràng Trung Quốc không đơn độc trong nỗ lực loại bỏ tính ẩn danh trên môi trường mạng. Nhà hoạch định chính sách tại các nước phát triển và đang phát triển cũng đang tìm cách áp dụng quy định đăng ký bằng tên thật đối với hoạt động Internet. Những doanh nghiệp lớn như Google, Facebook cũng ủng hộ đăng ký bằng tên thật.
Tác động lớn nhất của quy định dùng tên thật là cá nhân sẽ không còn viết nội dung hay tham gia tranh luận mà không nghĩ đến hậu quả ngoài đời thật. Tuy ẩn danh là một phần của Internet và mang đến những lợi ích nhất định cho cả người nói lẫn người nghe, những ý kiến ẩn danh hoàn toàn có thể gây phương hại đến người khác. Do đó, quản lý nội dung độc hại, thù địch là điều cần làm. Chẳng hạn, người đăng ẩn danh không phải chịu trách nhiệm về lời nói của họ, khiến họ cảm thấy an toàn vì không bị trả thù dù lan truyền thông tin phỉ báng, quấy rối. Ngoài ra, từ góc độ tiếp nhận thông tin, lời nói ẩn danh có thể không có giá trị bằng lời nói của những tài khoản đã được định danh.
Thực tế, chính sách đăng ký tên thật trên mạng nhằm kích hoạt khả năng truy vết hoặc cấm ẩn danh khá phổ biến trên thế giới. Chẳng hạn, năm 2007, Hàn Quốc thi hành luật tên thật, yêu cầu mọi người dùng mạng xác minh danh tính bằng cách nộp mã số đăng ký công dân (RRN) cho ISP. Năm 2011, tại Đức, Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich khi ấy ủng hộ chính sách tên thật sau vụ xả súng tại Nauy. Xét tới tác động của ẩn danh với thực thi pháp luật và trật tự xã hội, không ngạc nhiên khi Trung Quốc quyết định mở rộng quy định về Internet vào năm 2012, yêu cầu người dùng Internet thực hiện đăng ký tên thật.
Yêu cầu tên thật để bảo đảm môi trường Internet lành mạnh
Chính phủ Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến thiết lập chính sách đăng ký tài khoản Internet bằng tên thật từ năm 2003 khi yêu cầu các phòng cung cấp dịch vụ mạng thu thập thông tin định danh của khách hàng. Mục tiêu là chống lại tội phạm và bảo vệ trẻ vị thành niên. Sau đó, thí điểm đăng ký tên thật triển khai tại một số thành phố lớn.
Tháng 8/2009, các cổng tin tức lớn như Sina, NetEase, Sohu bắt đầu yêu cầu người dùng mới cung cấp tên thật và mã số định danh. Tháng 2/2012, bốn công ty mạng xã hội của nước này - bao gồm Sina, Sohu, NetEase, Tencent – đặt ra thời hạn 16/3/2012 để người dùng xác minh danh tính. Hiện nay, người dùng mọi nền tảng mạng xã hội trong nước đều phải đăng ký tài khoản bằng danh tính thật, bao gồm tên tuổi, số ID do chính phủ cấp, số điện thoại di động. Dù vẫn dùng được biệt danh, họ không thể che giấu danh tính với các công ty hay chính phủ. Những người dùng không đăng ký chỉ có thể xem mà không được phép đăng nội dung.
Theo ông Vương Thần, quan chức từng phụ trách thông tin trực tuyến tại Trung Quốc, Trung Quốc cần tạo ra một hệ thống tên thật để giảm thiểu hoặc loại bỏ ẩn danh trên không gian mạng. Tháng 12/2012, quốc hội thông qua đạo luật có tên Tăng cường bảo vệ thông tin trực tuyến, ra lệnh cho “các nhà cung cấp dịch vụ mạng nên yêu cầu người dùng cung cấp thông tin định danh chính xác khi ký thỏa thuận để cung cấp dịch vụ truy cập website, điện thoại cố định, điện thoại di động hoặc đăng thông tin qua mạng”.
Đạo luật có hai ý nghĩa quan trọng: thứ nhất, đưa chính sách tên thật lên cấp độ luật pháp quốc gia; thứ hai, bao trùm nhiều loại dịch vụ trực tuyến vì hầu hết các doanh nghiệp Internet đều cung cấp dịch vụ “truy cập website” và “đăng thông tin qua mạng”. Do đó, yêu cầu đăng ký bằng tên thật đã trở thành nghĩa vụ pháp lý, không chỉ với nhà cung cấp dịch vụ blog, mạng xã hội mà còn với phần lớn nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến khác. Sau này, chính phủ mở rộng quy định với người dùng ứng dụng nhắn tin tức thời như WeChat. Năm 2015, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin thi hành yêu cầu đăng ký bằng tên thật. Thuê bao di động phải xác minh căn cước, nếu không sẽ bị đình chỉ số điện thoại.
Từ 1/3/2015, Trung Quốc yêu cầu người dùng blog và phòng chat đăng ký tên thật với nhà mạng và cam kết không tham gia vào hoạt động “phi pháp, không lành mạnh”. Theo Cơ quan quản lý không gian mạng (CAC), quy định này là cần thiết để chống lại “hỗn loạn tên người dùng”. Chẳng hạn, nhiều người dùng đặt tên tài khoản theo tên các lãnh tụ như Tổng thống Nga Putin; quảng bá văn hóa thô tục; lừa đảo bằng cách giả vờ là quan chức nhà nước. Các công ty phải bổ nhiệm nhân sự đánh giá và theo dõi thông tin người dùng để bảo đảm người dùng tuân thủ quy định. Sina từng bị phạt 815.000 USD vì cho phép “nội dung không lành mạnh và đứng đắn” trên các nền tảng của mình, cũng như bị tước hai giấy phép xuất bản Internet và truyền tải trực tuyến các chương trình nghe nhìn.
Theo thời gian, Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan tới tên thật. Từ 1/10/2017, các công ty và nhà cung cấp dịch vụ Internet chịu trách nhiệm yêu cầu và xác minh tên thật từ người dùng khi họ đăng ký và phải báo cáo nội dung bất hợp pháp ngay cho nhà chức trách. Tháng 9/2020, nước này triển khai hệ thống xác minh tên thật đối với game thủ nhằm ngăn chặn tình trạng nghiện game ở thanh thiếu niên. Năm 2021, CAC cập nhật quy định, cấm chủ nhân của các tài khoản mạng xã hội bị cấm đăng ký tên tương tự trên nền tảng khác.
Chính phủ Trung Quốc tin rằng quy định đăng ký bằng tên thật có thể bảo đảm Internet lành mạnh hơn và an toàn hơn, bảo vệ lợi ích cộng đồng và trật tự xã hội khỏi nội dung phi pháp như phỉ báng, lừa đảo, khiêu dâm, tin đồn. Ngôn ngữ độc hại, chỉ trích và quấy rối sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
(Tổng hợp)