Những cảnh quay ghi lại tại bầu trời ở thành phố Phù Dư, tỉnh Cát Lâm thuộc đông bắc Trung Quốc, hôm 31/12/2019, cho thấy những “mặt trời giả” xuất hiện khoảng 20 phút trước khi biến mất.
Người dân và du khách không khỏi kinh ngạc khi được chứng kiến 3 mặt trời đồng loạt tỏa sáng rực rỡ trên nền trời. Hiện tượng tự nhiên kỳ thú này xảy ra do khúc xạ và tán xạ ánh sáng mặt trời, gây nên bởi các tinh thể băng trong khí quyển, tạo ra hai đốm sáng lớn, nằm đối xứng hai bên của “mặt trời thật”.
Những tinh thể băng trong không khí ở các tầng thấp tạo nên trong thời tiết giá lạnh. Chúng đóng vai trò như lăng kính, bẻ cong các tia sáng đi qua chúng với góc lệch tối thiểu 22 độ. “Mặt trời giả” dễ nhìn thấy nhất khi mặt trời thật ở gần đường chân trời.
Đây là hiện tượng tương đối hiếm, chỉ xảy ra khi đạt các điều kiện khí tượng nghiêm ngặt, bao gồm cả yếu tố nhiệt độ phải dưới ngưỡng -20 độ C…
Trước đó, vào ngày 12/12/2019, tại thành phố Khorgas, Tân Cương, Trung Quốc, người dân cũng bất ngờ thấy xuất hiện hình ảnh của 3 mặt trời cùng lúc. Khoảnh khắc tự nhiên thú vị này thu hút rất đông người chiêm ngưỡng, chụp hình và chia sẻ lên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, “mặt trời giả” có thể xuất hiện vào mọi thời điểm trong năm, nhưng phổ biến hơn cả là vào tháng 1, 4, 8 và 10.
Thuật ướp xác khi còn sống của các nhà sư Nhật Bản
Cách đây hơn 100 năm, các nhà sư Nhật Bản đã thực hiện loạt nghi thức ướp xác sống vào những ngày cuối đời.
Theo Dân trí