Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 8 năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng mạnh, đạt gần 273 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, trong 8 tháng 2022, xuất khẩu rau quả chỉ đem về 2,2 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Khách hàng lớn nhất của rau quả Việt xuất khẩu vẫn là Trung Quốc, chiếm 44,1% thị phần. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 967,5 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ.
Trái ngược với thị trường Trung Quốc, trong 8 tháng đầu 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,... tăng trưởng tốt, bù đắp một phần mức giảm tại thị trường Trung Quốc, đồng thời góp phần làm chậm lại tốc độ suy giảm xuất khẩu của ngành hàng rau quả.
Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới các thị trường này sẽ tiếp tục khả quan vào những tháng cuối năm khi mùa lễ hội đến gần và nhu cầu tăng ở hầu hết các thị trường.
Theo các chuyên gia, thị trường rau quả Trung Quốc sắp bước vào mùa cao điểm, sức tiêu thụ tăng mạnh. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn thực hiện chiến lược “Zero-Covid” với việc áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm trên diện rộng. Do đó, xuất khẩu hàng rau quả của nước ta sang thị trường này vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mới đây, Trung Quốc cũng chính thức cho phép trái sầu riêng của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Đây là cơ hội để ngành rau quả Việt đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần tại thị trường 1,5 tỷ dân.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) - cho biết, đã có 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Dự kiến có khoảng 3.000 ha, tương đương sản lượng 68.000 tấn sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khối lượng DN đăng ký xuất khẩu đến nay lên tới 1,3 triệu tấn. Tuần sau, sẽ có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Trung cho hay.