Sắn từng từng là củ “cứu đói” tại Việt Nam. Đến nay, loại củ này được người dân trồng làm cây hàng hoá để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, song có giá rất rẻ.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11 năm nay, nước ta đã xuất khẩu hơn 2,3 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn các loại, thu về hơn 1,04 tỷ USD.

Dù xuất khẩu giảm 12,9% về lượng và giá trị giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, song sắn và sản phẩm sắn là nhóm mặt hàng thứ 9 của ngành nông nghiệp có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD.

Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 449,3 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Trung Quốc là khách hàng truyền thống lớn nhất, “bao mua” 91,4% lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu của Việt Nam.

xuat khau san
Xuất khẩu sắn của nước ta năm nay đã vượt mốc 1 tỷ USD. Ảnh: TA

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện vào mùa thu hoạch nên sản lượng sắn về các nhà máy nhiều hơn. Một số nhà máy tại miền Trung, Tây Nguyên hạ giá mua loại củ nguyên liệu này. 

Từ đầu tháng 11 đến nay, giá thu mua sắn củ nguyên liệu tại một số tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên dao động ở mức 1.900-2.300 đồng/kg, giảm 100-300 đồng/kg so với cuối tháng 10. Giá thu mua sắn tươi tại khu vực miền Bắc dao động quanh mức 2.000-2.050 đồng/kg. 

Hiện, một số nhà máy phải điều chỉnh giảm lượng sản xuất do nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc chậm lại.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cho biết, dù tồn kho tinh bột sắn tại các cảng Trung Quốc đã giảm (ước tổng lượng tồn kho khoảng 170.000 tấn) nhưng các chủ hàng Trung Quốc vẫn mua hàng thận trọng. Lý do một phần bởi họ muốn chờ nguồn cung hàng vụ mới từ các nước Đông Nam Á. 

Cơ quan này cũng dự báo, thị trường sắn lát niên vụ 2024-2025 sẽ tiếp tục có xu hướng giảm cả giá và nhu cầu. 

Theo đó, với những vùng trồng sắn và sản xuất sắn lát khô hàng năm, bà con nông dân có thể xem xét để qua vụ sang năm mới thu hoạch, thay vì thu hoạch sắn tươi làm sắn lát khô vụ 2024-2025.