Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 5 vừa qua xuất khẩu rau quả giúp Việt Nam thu về 656,2 triệu USD, tăng 67,7% so với tháng 4/2023. Còn tính hết tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 2,03 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rau quả là mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất của ngành nông nghiệp trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.
Trung Quốc vẫn là khách hàng số 1, chiếm 63,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay (cùng kỳ năm 2022 chiếm 50,6%).
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 5/2023, Trung Quốc đã chi gần 483 triệu USD để mua rau quả của nước ta, tăng đột biến, gấp gần 5 lần so với tháng 5/2022.
Tính đến hết tháng 5 năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 1,29 triệu USD, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tháng 5 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã phải gửi công văn nêu rõ, lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến do sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch. Song, mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế, khiến cảnh ùn tắc tái diễn.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, khẳng định, trong vài tháng tới kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Mặt hàng sầu riêng được Trung Quốc cực kỳ chuộng mua đang vào mùa thu hoạch rộ ở Việt Nam. Mới đây, phía Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng giúp hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, các mặt hàng như thanh long, chuối, mít, vải thiều,... cũng vào vụ thụ hoạch. Thị trường xuất khẩu chính của các loại trái cây này là Trung Quốc.
Đặc biệt là vải thiều, năm ngoái do dịch bệnh Covid-19 nên xuất khẩu loại quả đặc sản này sang thị trường Trung Quốc giảm đáng kể. Năm nay, rất nhiều thương nhân Trung Quốc đã sang nước ta để thu mua vải thiều.
“Mùa vải thiều Trung Quốc năm nay gần như đã kết thúc, do đó kim ngạch xuất khẩu vải thiều sang thị trường này dự báo sẽ tăng mạnh”, ông Nguyên nói.
Trao đổi với báo chí xung quanh câu chuyện xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi làm việc với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), tham gia hội nghị xúc tiến có hàng trăm doanh nghiệp của nước này. Họ đều đánh giá chất lượng nông sản Việt ngon, muốn tìm hiểu và kết nối để thuận tiện trao đổi mua bán.
Ở Trung Quốc đi đến đâu doanh nghiệp cũng nhắc tới sầu riêng, khen chất lượng sầu riêng của mình tốt, hàng ngon, ông cho hay.
Thế nhưng, hạ tầng các cửa khẩu đang quá tải. Trong đó, Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu, nhưng chỉ 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau quả. Thứ trưởng Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) xem xét, mở rộng quy mô lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, bớt chi phí.
Với tốc độ “ăn hàng” như hiện nay của Trung Quốc, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể đạt 2,5 tỷ trong năm 2023. Và nếu Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm nhiều mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam thì kim ngạch có thể vượt xa hơn.