Reuters dẫn tuyên bố hôm nay (12/5) của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chuyến công du châu Âu của đặc phái viên nước này kể từ ngày 15/5 là “một nỗ lực nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”.
Trong cuộc điện đàm hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông sẽ cử một phái đoàn đến khu vực để giúp dàn xếp các cuộc hòa đàm. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo trao đổi với nhau kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng tháng 2/2022.
Theo đài truyền hình quốc gia Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh với ông Zelensky: “Thương lượng là lối thoát khả thi duy nhất”.
Hungary nói EU sẽ không trừng phạt công nghiệp hạt nhân Nga
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, vòng trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga dự kiến sẽ không nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân của xứ sở bạch dương.
“Các nước thành viên EU đã bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt Nga lần thứ 11 ở Brussels từ ngày 10/5. Song, đề xuất của Ủy ban châu Âu cho gói trừng phạt này không bao gồm biện pháp nào liên quan đến ngành công nghiệp hạt nhân Nga”, ông Szijjarto nói tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Năng lượng Hungary Rossen Hristov hôm 12/5.
Theo đài RT, Ngoại trưởng Hungary quả quyết, Budapest sẽ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm áp lệnh cấm đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân Nga. Ông lưu ý, mỗi quốc gia có quyền tự quyết cách họ có nguồn điện.
Ông Szijjarto cho biết thêm, Hungary đã vận hành nhà máy điện nguyên tử Paks, vốn được xây dựng với sự hợp tác của Liên Xô trong hơn 4 thập kỷ và nước này sẽ tiếp tục sử dụng nhiên liệu hạt nhân từ Nga. Nhà máy Paks đang sản xuất hơn một nửa lượng điện tiêu thụ ở Hungary.
Ông Szijjarto cũng tiết lộ, các nhiên liệu hạt nhân Nga từng được vận chuyển tới Paks bằng hệ thống đường sắt qua Ukraine, hiện được chở bằng các tàu biển qua cảng Varna của Bulgaria bên bờ Biển Đen trước khi lên tàu hỏa qua Bulgaria và Romania để tới điểm đến ở Hungary.