Covid-19 đã đưa viễn cảnh dịch bệnh như trong phim bom tấn của Hollywood bước ra ngoài đời thật. Điểm khác biệt là bằng những công nghệ đang có, con người đã từng bước ngăn chặn chống lại sự lây lan nhanh chóng của loại virus gây viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm này.
Đó là nhờ những tiến bộ công nghệ chưa từng có so với những lần bùng nổ dịch bệnh trước kia. Chẳng hạn, ở đại dịch SARS hồi năm 2002, người ta mất hơn 1 năm mới giải mã được bộ gen của con virus đó. Trong khi với Covid-19, chúng ta chỉ mất 1 tháng.
Trung Quốc, nước đầu tiên trên thế giới chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đã đi đầu trong việc ứng dụng những công nghệ sau đây mà nhiều nước trên thế giới đang học theo trong cuộc chạy đua dập tắt Covid-19 để sớm mở cửa trở lại nền kinh tế.
Công nghệ định vị
Định vị đóng một vai trò quan trọng trong khủng hoảng và dịch bệnh. Chính phủ các nước cần khoanh vùng chính xác để đưa ra quyết định cách ly cho phù hợp. Trường hợp này, hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS) đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Ở Trung Quốc, vệ tinh Bắc Đẩu đã giúp theo dấu vết bệnh nhân và các khu vực nhiễm bệnh. Với dữ liệu có độ chính xác cao và được bản đồ hóa, Trung Quốc có thể mau chóng xây dựng các bệnh viện dã chiến với quy mô hàng nghìn giường ngay tại tâm dịch.
Các vệ sinh của Trung Quốc vừa giúp khoanh vùng dịch, vừa để giám sát tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến. |
Bắc Đẩu cũng được dùng để phân luồng giao thông. Các công ty hậu cần dùng hệ thống định vị giúp vận chuyển hàng cứu trợ nhanh hơn. Trung Quốc cũng giám sát việc xây dựng thần tốc hai bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán bằng vệ tinh này.
Ở Thụy Xương, thành phố thuộc tỉnh Giang Tây, cảnh sát sử dụng drone định vị để giám sát các khu vực ách tắc giao thông. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc có thể đồng thời gửi tin nhắn khẩn cấp tới 6 triệu xe hơi kết nối với vệ tinh Bắc Đẩu. Công ty thương mại điện tử JD.com còn cung cấp vật tư y tế đến các bệnh viện ở Vũ Hán bằng những con robot định vị vệ tinh.
Vệ tinh giám sát
Khi hàng chục bệnh viện dã chiến được thiết lập, tiến độ xây dựng được theo dõi liên tục bởi vệ tinh độ phân giải cao Cao Phân-1. Vệ tinh hình ảnh siêu viễn tưởng Châu Hải-1 và vệ tinh Sentinel-1 của châu Âu cũng được huy động để không ngừng giám sát các bệnh viện khác.
Ngoài ra, Đại học Khoa học điện tử và Công nghệ Trung Quốc còn thiết kế một vệ tinh AI thế hệ thứ hai giúp phân tích và xử lý dữ liệu thô. Bằng việc kết hợp các vệ tinh này, một bản đồ sức khỏe Covid-19 được tạo ra để giúp người dân có thể xác định được địa điểm có virus và khoảng cách an toàn giữa các vùng.
Robot
Từ việc chuẩn bị bữa ăn trong bệnh viện, bồi bàn trong nhà hàng cho đến phun thuốc khử khuẩn và phân phối nước rửa tay, robot đã được huy động trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhằm giảm tải áp lực cho con người. Tại nhiều bệnh viện, robot cũng được sử dụng để đo thân nhiệt. Một công ty công nghệ có trụ sở ở Thâm Quyến còn sử dụng robot vận chuyển ống xét nghiệm.
Tại tâm dịch Vũ Hán, tất cả bệnh viện đều sử dụng robot. Bệnh viện Vũ Hán, nhà mạng China Mobile và nhà sản xuất robot Cloud Minds cùng nhau hợp tác để số hóa bệnh viện. Hầu hết các thiết bị trong bệnh viện đều được kết nối Internet vạn vật và được phục vụ bởi robot.
Robot đo thân nhiệt và phun nước rửa tay ở nơi công cộng. |
Việc đo thân nhiệt của bệnh nhân được thực hiện bằng các nhiệt kế 5G giúp gửi thông tin đi ngay lập tức. Ngoài ra, còn có những chiếc vòng kết nối với nền tảng của Cloud Minds để giám sát sự thay đổi thân nhiệt tức thì của bệnh nhân.
Các vị khách trên chuyến bay từ Singapore đến Hàng Châu (Trung Quốc) bị cách ly trong khách sạn cũng được phục vụ bởi một chú robot nhỏ mang tên Đậu Nhỏ.
Cloud Minds đã triển khai tổng cộng khoảng 100 robot tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc. Một vài robot phiên bản đặc biệt như XR-1 và STR-1 có thể mang thức ăn và thuốc đến cho bệnh nhân mà không cần có một sự tiếp xúc nào trong suốt quá trình.
Ứng dụng theo dõi sức khỏe
Chính phủ Trung Quốc mau chóng bắt tay với những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent để phát triển hệ thống đánh giá sức khỏe hàng triệu người mỗi ngày. Ứng dụng được triển khai đầu tiên ở Hàng Châu, có ba màu để đánh giá là xanh, vàng và đỏ dựa trên lịch trình di chuyển và hồ sơ y tế của người dùng. Tại Thâm Quyến, Tencent cũng triển khai một ứng dụng tương tự.
Việc một người dân có bị xem xét cách ly hay không sẽ được quyết định dựa trên màu sắc của ứng dụng. Công dân phải đăng nhập ứng dụng và quét mã vạch tại các nơi công cộng. Chỉ những người có tình trạng sức khỏe màu xanh mới được phép ra vào văn phòng, các tòa nhà, di chuyển bằng phương tiện công cộng. Hơn 200 thành phố của Trung Quốc đã ứng dụng hệ thống này.
Drone
Tại một số khu vực nguy hiểm, phương tiện bay không người lái (drone) được sử dụng để vận chuyển vật tư y tế, ống xét nghiệm nhằm giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian.
Drone hiện diện ở khắp mọi nơi trong việc chống dịch. |
Các drone cũng được gắn mã QR quét thông tin sức khỏe người dân. Drone nhận diện khuôn mặt được dùng để đi tuần và phát đi cảnh báo nhắc nhở người dân không tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Dữ liệu lớn
Nhiều tổ chức ở Trung Quốc đã phát triển các bảng thông tin dựa trên dữ liệu lớn. Nhận diện khuôn mặt và đo nhiệt độ bằng hồng ngoại được lắp đặt ở hầu khắp các thành phố lớn. Các công ty AI như SenseTime và Hanwang Technology còn tuyên bố có thể nhận diện khuôn mặt ngay cả khi người dân đeo khẩu trang.
Ứng dụng di động được dùng xác định xem một người có tiếp xúc với người nhiễm bệnh hay không. Nhà mạng China Mobile còn thường xuyên gửi tin nhắn đến các cơ quan báo chí, thông báo số người nhiễm bao gồm lịch trình di chuyển của họ. CCTV (camera an ninh) cũng được lắp đặt ở các khu cách ly để giám sát người bên trong.
Trí tuệ nhân tạo
Với sự giúp sức của phân tích dữ liệu, các chuyên gia y tế có thể hiểu hơn về cách thức lây lan của dịch bệnh. Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc Baidu đã phát triển một thuật toán có tên gọi Lineatrfold, nhờ đó mau chóng dự đoán được cấu trúc của virus.
Baidu cũng phát triển công cụ giúp giám sát hiệu quả và phát hiện thân nhiệt cao bất thường một cách mau chóng. Hệ thống được đặt tại một nhà ga ở Bắc Kinh, có thể đo được 200 người trong một phút mà không gặp bất cứ gián đoạn nào.
Một công ty khác là Alibaba lại phát triển công cụ xét nghiệm Covid-19 đám mây có độ chính xác lên tới 96% đồng thời mất ít hơn 20 giây để chạy. Công cụ sử dụng AI truy vết virus và đã được ứng dụng trên 5.000 bệnh nhân ở Trung Quốc.
Xe tự hành
Ở thời điểm việc tiếp xúc giữa người với người được hạn chế tối đa, xe tự hành đã chứng tỏ được vai trò hữu ích trong việc phân phối thực phẩm và vật tư y tế. Apollo, nền tảng tự hành của Baidu, đã hợp tác với startup tự hành Neolix để cung cấp lương thực thuốc men đến bệnh viện ở Bắc Kinh.
Xe tự hành phun thuốc khử khuẩn đường phố. |
Idriverplus, một startup tự hành khác cung cấp xe điện làm sạch đường phố. Phương tiện của công ty được dùng trong công tác khử khuẩn ở bệnh viện.
Giám sát hàng loạt
Quyền tự do cá nhân không phải câu chuyện quá quan trọng ở Trung Quốc, nhất là trong đại dịch. Chính phủ Trung Quốc đã tạo ra hệ thống giám sát khổng lồ bằng cách thu thập vị trí, thân nhiệt, lịch trình di chuyển và các thông tin cá nhân khác trong một cơ sở dữ liệu tập trung.
Hàng nghìn CCTV có khả năng nhận diện khuôn mặt được lắp đặt ở các khu cách ly và chỉ những người có mã màu xanh mới được phép lái xe trên đường. Các ứng dụng nổi tiếng như WeChat cũng thu thập dữ liệu người dùng giai đoạn này.
Sử dụng dữ liệu thu thập được, Trung Quốc mau chóng xác định được người nhiễm F0 và yêu cầu những F1, F2 phải tự cách ly. Chẳng hạn, trong vòng 10 ngày qua, một người nhiễm Covid-19 tiếp xúc với một chủ tiệm tạp hóa, người thu ngân và các nhân viên cửa hàng có tiếp xúc sẽ phải tự cách ly tại nhà. Điều này được phát hiện là nhờ các nền tảng thanh toán như WeChat Pay hay AliPay.
Phương Nguyễn (Theo Geospatial World)
Để công nghệ trở thành một mũi tấn công đại dịch
Các địa phương cần đưa ra yêu cầu buộc người dân phải nghiêm khắc thực hiện các giải pháp chống dịch bằng công nghệ.