Nhật báo Khoa học và Công nghệ nhà nước cho biết, phòng thí nghiệm Bioland của viện nghiên cứu có trụ sở tại Quảng Châu đã chế tạo thành công kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) đầu tiên của nước này, được gọi là TH-F120.
Bài báo cho hay Trung Quốc hiện đã làm chủ “các công nghệ cốt lõi” dành cho kính hiển vi và có thể sản xuất hàng loạt máy móc, cho phép nước này “phá vỡ” sự phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Tiến bộ này có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho các lĩnh vực khoa học và công nghiệp tiên tiến như khoa học vật liệu, khoa học đời sống và chất bán dẫn.
Nó cũng phản ánh sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong các công nghệ chủ chốt trước sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt và các biện pháp kiềm chế của Mỹ.
Theo trang tin công nghệ AZoNano, kính hiển vi TH-F120 có khả năng gửi một chùm electron xuyên qua mẫu vật cực mỏng để tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao - kỹ thuật quan trọng trong việc phát triển vật liệu bán dẫn có cấu trúc nano mới. So với các phiên bản nhập khẩu, súng điện tử phát nhiệt của TH-F120 tạo ra “luồng sáng hơn và ổn định hơn”.
Năm 2018, tờ báo liên kết với Bộ Khoa học và Công nghệ đã liệt kê kính hiển vi là một trong 35 công nghệ thiết yếu mà Trung Quốc cần phát triển.
Cũng trong năm đó, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách cấm vận. Kể từ đó, nhiều lệnh trừng phạt đã được áp dụng, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ bán dẫn của Trung Quốc.
Tự chủ về khoa học và công nghệ là một trong những chủ đề chính sách Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ. Tân Hoa Xã tuần trước trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh “phát triển chất lượng cao”, trong một thông điệp gửi tới những người tham dự Giải thưởng Kỹ sư Quốc gia. Ông Tập cho biết ông hy vọng các kỹ sư và kỹ thuật viên của đất nước có đủ can đảm để tạo ra những đột phá về công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực then chốt.
Trong năm qua, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hạn chế đối với việc Trung Quốc tiếp cận các con chip tiên tiến và các thiết bị liên quan, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
(Theo SCMP)