Khoản đầu tư trực tiếp từ Chính phủ Trung Quốc cũng đã khuyến khích các tổ chức khác rót hơn 200 tỷ NDT cho dự án tính đến cuối tháng 6. Những con số này được Liu Honglie, Cục trưởng Cục Dữ liệu Quốc gia Trung Quốc tiết lộ trong một bài thuyết trình tại Triển lãm Dữ liệu lớn hôm 29/8.
Ông cho biết thêm, các trung tâm điện toán có tổng công suất 1,95 triệu Server Rack (loại máy chủ gắn trên giá đỡ), trong đó, khoảng 1,2 triệu giá đỡ đã được lắp đặt.
Trung Quốc bắt tay vào dự án "dữ liệu phía Đông, điện toán phía Tây" vào năm 2022, với kế hoạch xây dựng 8 trung tâm điện toán ở khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, khu vực đồng bằng sông Dương Tử, khu vực Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, tỉnh Quý Châu, khu vực Thành Đô - Trùng Khánh, tỉnh Cam Túc, Ninh Hạ và Nội Mông.
Dự án do chính phủ hậu thuẫn nhằm xây dựng một mạng lưới công nghệ thông tin toàn quốc, theo đó các trung tâm dữ liệu ở phía Tây sẽ xử lý tính toán các công việc phát sinh từ khu vực bờ biển phía Đông đông dân cư hơn.
Cơn sốt AI toàn cầu đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu về các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) tiên tiến ở cả Mỹ và Trung Quốc. Các lô hàng GPU cao cấp dự kiến sẽ tăng 55% vào năm 2025, theo công ty nghiên cứu TrendForce.
Huawei Technologies nằm trong số những công ty Trung Quốc đóng góp cho dự án khổng lồ này. Hãng vận hành các cụm máy tính chạy trên chip Ascend AI tại 19 thành phố trên khắp Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
“Ông lớn” công nghệ cũng có kế hoạch đưa các cụm mới vào hoạt động tại các tỉnh, bao gồm Côn Minh, Trường Sa, Trường Xuân và Tế Nam.
Bất chấp Mỹ siết Nvidia bán chip tiên tiến nhất sang Trung Quốc, công ty bán dẫn lớn nhất thế giới cho biết doanh thu trung tâm dữ liệu từ thị trường này vẫn rất mạnh trong quý II. Tuy nhiên, theo Giám đốc tài chính Colette Kress, nếu xét theo tỷ lệ % so với tổng doanh thu trung tâm dữ liệu, doanh số tại Trung Quốc đang thấp hơn so với trước khi Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc trong tương lai sẽ rất cạnh tranh.
(Theo SCMP)