Reuters trích dẫn nguồn thạo tin tiết lộ, ngoài số chiến đấu cơ mới được điều động, một số tàu chiến Trung Quốc đã áp sát vùng đệm không chính thức gần eo biển kể từ ngày 1/8. Nguồn tin nói thêm, phía Đài Loan đã cử máy bay giám sát tình hình.
Truyền thông Đài Loan đưa tin, cơ quan phụ trách an ninh của hòn đảo đã "củng cố" mức cảnh giác chiến đấu từ sáng ngày 2/8 đến chiều ngày 4/8.
Bắc Kinh chưa lên tiếng bình luận về những thông tin trên.
Các động thái diễn ra khi 3 nguồn tin khác nhau cho biết, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến sẽ ghé thăm Đài Loan hôm 2/8 trong chuyến công du châu Á của bà. "Dự kiến, bà Pelosi sẽ ở lại hòn đảo qua đêm. Hiện chưa rõ khi nào bà Pelosi sẽ đến Đài Bắc”, một quan chức Đài Loan giấu tên nói.
Theo CNN, chuyến công du châu Á lần này của bà Pelosi đã trở thành tâm điểm chú ý trong nhiều ngày qua, khi giới chức Washington lo ngại rằng chuyến thăm Đài Loan đầu tiên của một vị chủ tịch Hạ viện Mỹ trong 25 năm qua sẽ vấp phải những phản ứng quân sự từ Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm ngày 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden "không nên đùa với lửa" về vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 1/8 nhấn mạnh, bà Pelosi có quyền tự quyết về việc có tới Đài Loan hay không.
Ông Kirby giải thích, Washington không muốn gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, nhưng "không có lí do gì để Trung Quốc biến một chuyến thăm tiềm năng và phù hợp với những chính sách lâu đời của Mỹ thành một cuộc khủng hoảng nào đó để gia tăng các hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan”.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khuyến cáo, quân đội nước này "sẽ không ngồi yên" nếu chuyến thăm diễn ra. Vài giờ sau đó, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo một loạt hoạt động diễn tập quân sự khác sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 2 - 6/8.
Tuần trước, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật cả ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, giữa lúc tin đồn về chuyến đi của bà Pelosi lan truyền.
Tuấn Anh