“Lời nói chẳng mất tiền mua”, có lẽ Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã quên mất câu tục ngữ này khi đứng trên sân khấu hội nghị ngày 24/10 tại Thượng Hải. Tại đây, ông chỉ trích hệ thống quy định cản trở đổi mới và phải cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Bài phát biểu “thẳng như ruột ngựa” của ông, theo nguồn tin của Reuters, chính là nguồn cơn cho một chuỗi sự kiện vô tiền khoáng hậu với Alibaba và Ant Group.
Cảm thấy phẫn nộ vì bị “vỗ mặt”, nhà chức trách và chính quyền Trụng Quốc quyết định phải kìm cương đế chế của Jack Ma, bắt đầu từ việc hủy vụ IPO lịch sử của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông khi chỉ còn 2 ngày. Hai nguồn tin thân cận cho hay họ bối rối khi biết về giọng điệu bài phát biểu mà Jack Ma muốn truyền đạt, dù bản thân Jack Ma không nhận ra tác động từ những lời nói của mình.
Họ gợi ý ông chủ 56 tuổi nên dịu giọng do hội nghị có sự tham dự của một vài quan chức tài chính cao cấp nhất của Trung Quốc song ông từ chối và tin rằng có thể nói bất kỳ điều gì mà ông muốn.
Đây chính là tính toán sai lầm.
Một nguồn tin mô tả bài phát biểu hôm đó của Jack Ma như “đấm vào mặt” các quan chức. Cơ quan quản lý bắt đầu tập hợp báo cáo về cách Ant dùng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số, báo cáo về phản ứng của công chúng trước phát ngôn của Jack Ma và nộp lên những nhân vật cao cấp, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dường như báo cáo cho thấy công chúng phản hồi tiêu cực với Jack Ma.
Sau đó, các lãnh đạo quan tâm hơn và yêu cầu điều tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Ant Group, dẫn tới việc hủy bỏ IPO. Lẽ ra, Jack Ma đã có thể bỏ túi thêm ít nhất 27 tỷ USD nếu IPO diễn như suôn sẻ.
Mới đây nhất, Trung Quốc tuyên bố điều tra chống độc quyền đối với Alibaba. Đây là vụ điều tra chống độc quyền đầu tiên vào một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Theo Financial Times, cuộc điều tra đánh dấu hành động quyết liệt nhất của nhà chức trách nhằm xử lý quyền lực ngày một lớn của các hãng công nghệ nước này. Scott Yu, chuyên gia chống độc quyền tại hãng luật Zhong Lun, cho rằng kịch bản xấu nhất là Alibaba có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm 2019.
Jack Ma, một cựu giáo viên tiếng Anh, là niềm tự hào quốc gia với những thành công của mình. Jack Ma là một trong những người tiên phong của Internet Trung Quốc, xây dựng nên đế chế thương mại điện tử Alibaba và gã khổng lồ fintech Ant.
Một trong các mục tiêu của chính phủ Trung Quốc năm nay là củng cố khu vực tài chính, thắt chặt quy định giám sát để ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Trước bài phát biểu của Jack Ma, nhà chức trách đã dần tăng cường theo dõi Ant, nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ với các dịch vụ tài chính nhưng không bị trói buộc bằng thủ tục ngân hàng đắt đỏ.
Theo Reuters, bài phát biểu ngày 24/10 chỉ là giọt nước tràn ly, châm ngòi cho cuộc leo thang lớn. Cơ quan quản lý hành động nhanh hơn sau khi nhận chỉ thị viết tay từ các quan chức, bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cố vấn kinh tế thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ nhanh chóng công bố quy định mới với cho vay vi mô, trực tiếp ảnh hưởng tới Ant. Sau đó, Jack Ma và hai lãnh đạo Ant khác bị triệu tập đến cuộc họp hiếm hoi với 4 cơ quan chức năng.
Từ tháng 9 tới nay, giá trị vốn hóa của Alibaba đã bay mất 140 tỷ USD, tương đương 17%. Jack Ma cũng biến mất trước mắt công chúng. Theo nguồn tin của Bloomberg, đây là lời cảnh báo rằng Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn với sức mạnh ngoại cỡ của các ông lớn công nghệ, ngày càng được xem là nguy cơ đối với ổn định tài chính và chính trị mà Chủ tịch Tập Cận Bình xem trọng hàng đầu.
Từng được xem là động lực thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và biểu tượng sức mạnh công nghệ của đất nước, Alibaba của Jack Ma, Tencent của Ma Huateng… nay trở thành nghi phạm sau khi có được hàng trăm triệu người dùng và gây ảnh hưởng lên gần như mọi mặt đời sống. Rana Mitter, Giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Oxford, nhận định: “Đảng cầm quyền Trung Quốc đang muốn làm rõ rằng Ma không thể nhiều quyền lực hơn chính quyền. Song họ cũng muốn thể hiện Trung Quốc là nơi làm ăn tốt, đồng nghĩa với Đảng phải cho thấy các doanh nhân có thể thành công”.
Đế chế của Jack Ma đang rơi vào khủng hoảng. Các giám đốc cao cấp trở thành một phần của “đội đặc nhiệm” gần như phải tiếp xúc hàng ngày với nhà giám sát. Trong khi đó, các nhà quản lý như Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm đang cân nhắc xem Ant Group nên từ bỏ kiểm soát mảng kinh doanh nào để ngăn chặn rủi ro cho nền kinh tế. Những thay đổi trong quy định gần đây khiến cánh cửa IPO trước năm 2020 của Ant trở nên hẹp lại.
Theo Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế Trivium China, chính phủ Trung Quốc muốn nhắc nhở lứa doanh nhân tiếp theo: “Bạn có thể giàu có, sở hữu công ty hùng mạnh song phải chơi theo luật của chúng tôi”.
Còn theo Nina Xiang, nhà sáng lập nền tảng truyền thống China Money Network, nỗ lực chống độc quyền của Trung Quốc giống với việc phụ huynh đang dạy dỗ một đứa trẻ hành xử không đúng mực. Nó có yếu tố của chính sách kinh tế quốc gia, một phần nhằm “chỉnh đốn hành vi”, duy trì trật tự thị trường và khuyến khích đổi mới chiến lược. Điều khiến cho các nhà quản lý chuyển hướng có thể không phải vì tình trạng lạm dụng độc quyền ngày càng tệ hơn thời gian gần đây mà là vì các hãng công nghệ đã đi sai hướng. Dưới con mắt của cơ quan chống độc quyền và Chính phủ, chỉnh đốn hành vi và chỉ lối đi đúng cho các hãng công nghệ quan trọng không kém gì nhau.
Du Lam (Tổng hợp)
Vì sao Trung Quốc ‘sờ gáy’ Alibaba?
Quyết định mở cuộc điều tra chống độc quyền Alibaba của nhà chức trách Trung Quốc khiến nhiều người bất ngờ.