Tại Diễn đàn China EV100 vừa diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào cuối tuần qua (15-17/3), các quan chức Chính phủ cấp cao của Trung Quốc đã công bố các kế hoạch hỗ trợ phát triển xe điện.
Ông Wan Gang, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã kêu gọi đổi mới trong lĩnh vực chất bán dẫn và các lĩnh vực khác quan trọng đối với xe điện và xe tự hành.
Trong khi đó, ông Zheng Shanjie, Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan chỉ đạo chính sách kinh tế của Trung Quốc, cho biết, nước này đã lên kế hoạch tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn và các linh kiện ô tô khác.
Còn ông Shan Zhongde, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã đề xuất chiến lược khuyến khích người tiêu dùng thay thế xe cũ bằng bằng xe điện thông qua các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Riêng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị, Nông thôn Trung Quốc, đã cam kết sẽ giải quyết tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng thu phí và bãi đậu xe. Và cuối cùng, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ sẽ giảm bớt gánh nặng về chi phí, bảo hiểm cho người tiêu dùng mua xe NEV.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn China EV100, ông Gou Ping, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước, đã tiết lộ kế hoạch tập trung nâng cao năng lực phát triển của 3 nhà sản xuất ô tô, gồm: China FAW Group, Dongfeng Motor và Chongqing Changan Automobile.
Chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu 3 nhà sản xuất ô tô quốc doanh này phải chi thêm tiền vào quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D), ngay cả khi lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng. Sáng kiến này dự kiến sẽ bao gồm công nghệ kết hợp chất bán dẫn.
Nguyên nhân của sự tập trung trên là do "gã khổng lồ" xe điện tư nhân BYD đang dẫn đầu trong ngành xe năng lượng mới NEV, còn các nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu của chính quyền địa phương như Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC Motor) và Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) cũng đã để lại dấu ấn, vì vậy Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào việc hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô quốc doanh.
Giám đốc điều hành của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm của mình về thị trường và các kế hoạch phát triển tích cực cho loại xe NEV.
Chủ tịch BYD Wang Chuanfu cho biết: "Tỷ lệ xe năng lượng mới bán ra tại thị trường Trung Quốc có khả năng sẽ vượt quá 50% trong 3 tháng tới". Dựa trên dữ liệu bảo hiểm ô tô, ông Wang cho biết tỷ lệ xe điện bán thực tế so với tổng quy mô thị trường ước tính đã đạt 48,2% vào tuần trước nhưng vị Chủ tịch BYD nói thêm rằng sự cạnh tranh gay gắt đã bắt đầu đè nặng lên tài chính của một số công ty.
Ông Wang chỉ ra: "Các công ty cần tạo ra lợi thế kinh tế theo quy mô càng nhanh càng tốt và phát triển lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu của mình". Còn ông He Xiaopeng, CEO của công ty khởi nghiệp xe điện Xpeng cũng đã trình bày kế hoạch hiện thực hóa việc lái xe tự động hoàn toàn.
Ông He cho biết: "Năm nay, chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 3,5 tỷ nhân dân tệ (hơn 12.000 tỷ đồng) vào R&D cho công nghệ lái xe thông minh như công nghệ tự hành".
Giám đốc Xpeng nói thêm công ty sẽ công bố các mẫu xe mới có giá từ 100.000-150.000 nhân dân tệ (344-516 triệu đồng) trong tháng tới, đưa chúng trở thành những chiếc xe điện rẻ nhất trong dòng sản phẩm của hãng.
Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua các cường quốc ô tô như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nhật Bản để trở thành một đế chế mới, thiết lập lại trật tự thứ hạng trong bản đồ ô tô toàn cầu. Chìa khóa của sự thành công ấn tượng này chính là xe điện và sự chủ động về chuỗi cung ứng, đặc biệt là linh kiện phụ tùng, pin xe cùng với chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ đối với người mua xe điện.
Giai đoạn 2012 – 2022, Chính phủ Trung Quốc tung ra gói trợ cấp kích cầu tiêu dùng xe điện đặc biệt, mỗi người mua xe điện tại quốc gia này đều được nhận khoản tiền hoàn trả lên tới 8.300 USD. Kể từ năm 2014, chính phủ cũng trợ thuế 10% giá trị xe điện đối với những người mua xe điện dưới 41.000 đô la cho tới tận năm 2025 và sẽ tiếp tục giữ mức trợ thuế 5% vào 2 năm sau đó.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tập trung đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mạng lưới trạm sạc rộng khắp nhằm phục vụ xe điện có thể hoạt động một cách thuận tiện nhất. Tính tới tháng 5/2023, tờ The Nikkei của Nhật Bản ước tính, toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc có 6,36 triệu trạm sạc xe điện, chiếm tỉ lệ lớn nhất thế giới.
Năm 2023, Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, sản lượng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc năm 2023 ở mức 5,22 triệu chiếc, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1/3 trong số đó là xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Theo Nikkei
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!