Bắc Kinh tuyên bố, việc kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm bảo vệ “các quyền hợp pháp” của Trung Quốc trước những biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn của Washington.
Trong thông cáo ngày 12/12, Bộ Thương mại Trung Quốc giải thích, việc khởi kiện lên WTO là cần thiết để bảo vệ “các quyền và lợi ích hợp pháp” của đất nước, sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi đầu tháng 10 ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vi xử lý nhằm gây khó khăn hơn cho đại lục trong việc thu mua hoặc phát triển các chất bán dẫn tiên tiến.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn đã trở một trong những “điểm nóng” về căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế. Bloomberg cho hay, mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất điện thoại và máy tính lớn nhất nhưng các công ty Mỹ vẫn kiểm soát hầu hết công nghệ vi xử lý cơ bản.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lập luận rằng, họ cần hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các thiết bị tiên tiến nhất để bảo vệ an ninh quốc gia. Song, với việc chỗ đứng của mình trong ngành công nghiệp trị giá 580 tỷ USD bị đe dọa, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang sử dụng những lí do mơ hồ liên quan đến an ninh để kìm hãm đối thủ một cách không công bằng.
Theo tạp chí Financial Times, Bắc Kinh cũng tố cáo Washington đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ kinh tế làm suy yếu các quy tắc thương mại, "đe dọa sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu". Trong khi đó, đối với các công ty Mỹ, các quy định mới của Washington cũng có thể khiến họ mất hàng tỷ đô la doanh thu từ việc xuất khẩu chất bán dẫn sang thị trường Trung Quốc.
Động thái mới của Trung Quốc đánh dấu giai đoạn đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài tại WTO. Theo quy trình, Mỹ hiện có 60 ngày để tham gia các cuộc tham vấn liên quan đến đơn kiện. Nếu điều đó không giải quyết được vấn đề, Bắc Kinh có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm của WTO.
Có thể mất vài năm để đi đến phán quyết cuối cùng cho vụ kiện thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Và ngay cả khi Trung Quốc thắng kiện, Mỹ về cơ bản có thể phủ quyết bằng cách kháng cáo quyết định lên cơ quan phúc thẩm WTO, vốn hành động rất chậm do Washington đã ngăn chặn một số bổ nhiệm vào cơ quan này.
Ngoài ra, ngay cả khi Bắc Kinh thành công trong vụ kiện, đây cũng được coi chiến thắng mang tính tượng trưng vì WTO vẫn thiếu công cụ buộc Washington phải tuân thủ và đảo ngược hành động của họ.
Phát ngôn viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Adam Hodge hôm 12/12 cho hay, nước này đã nhận được yêu cầu tham vấn từ Trung Quốc, nhưng không coi WTO là “diễn đàn thích hợp để thảo luận những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia”.
Mỹ cũng đang đàm phán với Nhật và Hà Lan về một thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu, trong đó hai quốc gia này sẽ cấm các công ty của họ bán công cụ chế tạo vi xử lý cho các nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ, Washington đang thảo luận với các đồng minh và đối tác về “sự liên kết rộng rãi, phối hợp hành động” trước Bắc Kinh. Động thái dự kiến sẽ gây thêm áp lực lên Trung Quốc.
Tuy nhiên, một quan chức phương Tây nhận định, Bắc Kinh hiểu rõ điều gì sắp đến nhưng vẫn muốn theo đuổi vụ kiện để bảo vệ quan điểm liên quan đến vấn đề áp hạn chế xuất khẩu.
“Ít nhất, trong vụ việc lần này, Trung Quốc muốn đẩy lui những ý kiến coi họ là một tác nhân không công bằng trong thế giới thương mại toàn cầu”, Ben Kostrzewa, một chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ - Trung tại công ty luật Hogan Lovells bình luận.
WTO tuyên bố Mỹ phạm luật khi áp thuế Trung Quốc
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bác bỏ căn cứ chính cho cuộc chiến thương mại chống Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump, khẳng định việc Mỹ áp thuế với hàng hóa Trung Quốc là vi phạm các quy định quốc tế.
Mỹ - Trung đụng độ trong cuộc chiến giành ghế lãnh đạo WTO
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang cuộc đua giành ghế lãnh đạo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khi hai bên ủng hộ những ứng cử viên khác nhau cho vị trí quyền lực này.