Trong lập trường 12 điểm được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố vào hôm nay (24/2), Trung Quốc kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, chấm dứt những biện pháp trừng phạt đơn phương, và nhấn mạnh sự phản đối của Bắc Kinh đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Tất cả các bên cần phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng diễn biến xấu, hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”, CNN dẫn bản công bố của Trung Quốc.
Theo Trung Quốc, “đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ đóng “vai trò mang tính xây dựng”, nhưng Bắc Kinh không nói rõ chi tiết thông tin.
Theo quan điểm của Trung Quốc, “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần phải được duy trì một cách hiệu quả”, cũng như cần từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.
“An ninh của một khu vực không nên đạt được bằng cách củng cố, hoặc mở rộng các khối quân sự. Các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia cần phải được xem xét nghiêm túc, và giải quyết đúng đắn”, Trung Quốc cho hay.
Bắc Kinh chỉ trích các biện pháp trừng phạt kinh tế trên diện rộng mà Mỹ và các nước phương Tây đang áp đặt đối với Nga.
Theo Trung Quốc, “các lệnh trừng phạt đơn phương và áp lực tối đa không thể giải quyết vấn đề, bởi chúng chỉ tạo ra thêm những vấn đề mới. Những quốc gia liên quan nên dừng lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và 'quyền tài phán nối dài’ đối với các quốc gia khác để góp phần giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine".
Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Đây là quan điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói với các nhà lãnh đạo phương Tây vào năm ngoái.
“Không được sử dụng vũ khí hạt nhân, và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân cần bị phản đối. Sự phổ biến hạt nhân phải được ngăn chặn, và tránh khủng hoảng hạt nhân”, theo quan điểm của Trung Quốc.
Bắc Kinh đồng thời phản đối các cuộc tấn công vũ trang nhằm vào những nhà máy điện hạt nhân, hoặc các cơ sở hạt nhân sử dụng cho mục đích hòa bình.
Bản công bố lập trường gồm 12 điểm của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh phương Tây lo ngại Bắc Kinh có thể đang xem xét cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.