Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay (2/6) sau chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy hòa đàm Moscow - Kiev, ông Lý nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, cản trở hai bên ngồi vào bàn thương lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, các bên không hoàn toàn không có sự đồng thuận”.
CNN dẫn lời đặc phái viên Trung Quốc nêu ví dụ, phía Nga tuyên bố không bao giờ phản đối hòa đàm và luôn ủng hộ một giải pháp chính trị. Trong khi, phía Ukraine cũng khẳng định luôn trân trọng và khao khát hòa bình. Ông Lý đánh giá cả Moscow và Kiev đều để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đối thoại.
Tuy nhiên, ông Lý, người từng giữ chức đại sứ Trung Quốc tại Nga, nhận định “nguy cơ leo thang” vẫn còn cao và trong khi có mặt ở Kiev, ông đã nghe thấy tiếng còi báo động không kích hàng ngày và chứng kiến thủ đô Ukraine hứng chịu 2 vụ không kích lớn.
"Xung đột đang đi vào bế tắc và chiến sự đầy bất ổn. Tình hình này thật đáng lo ngại. Nếu xung đột tiếp diễn thì sẽ chỉ có thêm nhiều thảm họa và đau khổ. Chừng nào vẫn còn một tia hy vọng về hòa bình, chúng ta nên tích cực hướng tới nó, thay vì để xung đột tiếp diễn và lan rộng", ông Lý nói, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng.
Ông Lý cũng nhắc lại việc Bắc Kinh bác bỏ thông tin do tờ Wall Street Journal đăng tải, có nội dung rằng Trung Quốc kêu gọi các nước châu Âu chấp nhận một lệnh ngừng bắn để Nga kiểm soát các phần lãnh thổ của Ukraine. Ông cáo buộc “việc truyền bá thông tin sai sự thật bằng cách ủng hộ đối đầu vì lợi ích chính trị như vậy là vô đạo đức và rất nguy hiểm”.
Ngoài ra, đặc phái viên của Trung Quốc còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen như sáng kiến có "ý nghĩa to lớn" để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ông cũng tái lặp quan điểm của Trung Quốc hướng tới hòa đàm và thúc đẩy đề xuất 12 điểm của nước này về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Thụy Sỹ bác kiến nghị tái xuất khẩu vũ khí cho Kiev
Hãng tin Tass trích dẫn thông cáo báo chí của Quốc hội Thụy Sỹ cho hay, các nhà lập pháp nước này đã bỏ phiếu bác bỏ một đề xuất của Ủy ban Chính sách an ninh về việc cho phép tái xuất khẩu vũ khí sang Ukraine.
Với vị thế trung lập, cho đến nay, Thụy Sỹ không xuất khẩu vũ khí cho Kiev, đồng thời cấm tái xuất vũ khí do nước này sản xuất và bán cho các quốc gia khác đến các vùng xung đột.
>>> Đọc tin thế giới mới nhất trên báo VietNamNet