{keywords}
 

Trung Quốc và Ấn Độ đang trải qua căng thẳng ngoại giao sau cuộc chạm trán chết chóc giữa các binh sỹ tại biên giới hồi đầu tuần. Rủi ro về kinh tế cũng tăng cao xét tới quan hệ giao thương khổng lồ giữa hai nước, đặc biệt là quan hệ gần gũi về công nghệ.

Ấn Độ nhập hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ và Trung Quốc cũng giúp nhau trở thành các thế lực công nghệ mới nổi. Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào các startup lớn nhất Ấn Độ, trong khi smartphone Trung Quốc thống trị thị trường và người Ấn Độ đua nhau sử dụng các ứng dụng như TikTok.

Tuy nhiên, xung đột đang đe dọa sợi dây này. Phong trào bài Trung tại Ấn Độ kêu gọi người dân tẩy chay sản phẩm, dịch vụ Trung Quốc, quy định mới về đầu tư nước ngoài cũng khống chế khả năng Trung Quốc rót tiền vào ngành công nghiệp Internet bùng nổ của Ấn Độ.

Quan hệ sâu sắc

Theo tổ chức chính sách ngoại quốc Gateway House của Ấn Độ, Trung Quốc tạo dựng vị trí quan trọng trong ngành công nghệ tại đây trong 5 năm qua. Không thể thuyết phục Ấn Độ tham gia vào sáng kiến “Vành đai và con đường”, Trung Quốc thâm nhập thị trường công nghệ Ấn Độ bằng cách nhấn chìm nó với các smartphone giá rẻ từ Xiaomi, Oppo cũng như đổ tiền vào startup.

Gateway House ước tính các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót khoảng 4 tỷ USD vào startup công nghệ Ấn Độ từ năm 2015. Chẳng hạn, Alibaba đầu tư vào công ty thương mại điện tử Snapdeal, ví điện tử Paytm, nền tảng giao đồ ăn Zomato. Tencent lại chống lưng cho dịch vụ nhắn tin Hike, ứng dụng gọi xe Ola. Theo Gateway House, hơn một nửa trong số 30 “kỳ lân” hàng đầu Ấn Độ có nhà đầu tư Trung Quốc.

Huawei cũng đang giúp xây dựng mạng 5G tại đây bất chấp chiến dịch của Mỹ nhằm chống lại công ty. Amit Bhandari, thành viên của Gateway House, đồng tác giả báo cáo, nhận xét Trung Quốc muốn trở thành người chơi thống trị trên thị trường Internet Ấn Độ.

Ấn Độ cũng là chìa khóa trong tham vọng trở thành thế lực hàng đầu trên thị trường công nghệ thế giới của Trung Quốc, theo Sukanti Ghosh, người đứng đầu tổ chức Albright Stonebridge khu vực Nam Á. Ông cho rằng không ai là kẻ thua cuộc trong mối quan hệ này vì cả hai nước đều giành được thắng lợi đáng kể.

Dù vậy, từ đầu năm nay, Ấn Độ báo hiệu sẽ thực hiện các biện pháp kìm chế sức ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc. Tháng 4/2020, chính phủ thông báo vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ những nước có chung biên giới với Ấn Độ sẽ là đối tượng bị giám sát chặt hơn. Nhà chức trách cho biết quy định nhằm chống lại các vụ thâu tóm có thể diễn ra trong tương lai do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Song, dường như nó nhằm trực tiếp vào Trung Quốc vì các nước khác chung biên giới với Ấn Độ đều nhỏ và không nổi tiếng với các thương vụ đầu tư lớn. Ông Bhandari nhận định thắt chặt quy định FDI là thông điệp gửi tới doanh nghiệp Trung Quốc rằng họ vẫn có thể xuất khẩu phần mềm, thiết bị sang nhưng không thể thống trị hệ sinh thái Internet trong nước.

Chính sách ban đầu vấp phải một số nghi ngờ từ ngành công nghệ. Tuy nhiên, xung đột biên giới nổ ra giữa hai nước và đỉnh điểm là vụ đụng độ mới đây khiến ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng đã khiến căng thẳng leo thang.

Tuy nhiên, theo Ananth Krishnan, tác giả một báo cáo của Brookings India, Ấn Độ khó thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Ấn Độ phụ thuộc mọi thứ, từ máy công nghiệp nặng, thiết bị điện, viễn thông đến dược phẩm. Ước tính tổng số vốn đầu tư hiện tại và đã lên kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là ít nhất 26 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, giao dịch thương mại giữa hai nước đạt hơn 87 tỷ USD trong năm tài khóa 2018 – 2019. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ trong cùng kỳ, chỉ sau Mỹ. Đây chỉ là quan hệ đơn phương vì Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn chiều ngược lại.

Ông Krishnan cho rằng sự phụ thuộc về mặt cấu trúc vào Trung Quốc khiến những chiến dịch tẩy chay không thể có kết quả. Ông đánh giá quy định thắt chặt FDI không nhằm mục đích chặn đứng đầu tư từ Trung Quốc và Ấn Độ mà là “chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực có ích hơn cho Ấn Độ - các nhà máy sản xuất thật sự và tạo việc làm”.

Cắt quan hệ với Trung Quốc còn đồng nghĩa với thất nghiệp cho người Ấn Độ. Các hãng điện thoại Trung Quốc đều xây nhà máy và tạo công ăn việc làm ở đây. Ấn Độ nổi lên thành thị trường quốc tế lớn nhất đối với các hãng di động Trung Quốc là một trong những bước tiến đáng kể nhất trong quan hệ của hai nước trong 5 năm qua.

Năm 2019, 4/5 thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Ấn Độ là của Trung Quốc: Xiaomi, Vivo, Oppo, Realme. Samsung là ngoại lệ, đứng thứ 2. Theo IDC, doanh số smartphone 4 hãng này tại đây chạm mốc hơn 16 tỷ USD trong năm 2019. Tất cả đều có nhà máy Ấn Độ, tránh được thuế nhập khẩu, đồng thời ủng hộ chương trình “Make in India” của Thủ tướng Narendra Modi. 95% điện thoại Xiaomi bán tại Ấn Độ được sản xuất tại địa phương.

Do đó, nếu chặn việc bán hàng của các công ty này, nó sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy của họ tại Ấn Độ và việc làm của người dân, theo nhà phân tích Kiranjeet Kaur của IDC. Chiến dịch "bài Trung" từng diễn ra trước đó nhưng chưa bao giờ làm giảm doanh số smartphone Trung Quốc trong nước.

Vì vậy, ngay cả khi nhiều người Ấn Độ thề không dùng phần cứng, phần mềm Trung Quốc,  Kiranjeet Kaur không cho rằng nó sẽ thay đổi quyết định mua sắm của họ. “Họ quá phụ thuộc vào hệ sinh thái điện thoại Trung Quốc, gần như không có lựa chọn khác”, nhà phân tích nêu ý kiến.

Du Lam (Theo CNN)

Ấn Độ công bố gói 6,6 tỷ USD, tham vọng trở thành trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu

Ấn Độ công bố gói 6,6 tỷ USD, tham vọng trở thành trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu

Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ khẳng định nước này có đủ nguồn lực để trở thành trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu, đối tác của kinh tế thế giới.