Cách đây 10 năm, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã xem trí tuệ nhân tạo là trọng tâm chính trong sự đổi mới và phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Các chính sách được ban hành dưới sự lãnh đạo của ông đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau của AI, từ các ứng dụng quân sự đến sản xuất, bảo tồn sinh thái và chăm sóc sức khỏe.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2019 là thời điểm thúc đẩy những nỗ lực này. Các công ty Trung Quốc từ lớn tới nhỏ trong các lĩnh vực liên quan đến AI đã phát triển và trang bị các hệ thống AI để kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.
Sử dụng AI, Big Data hạn chế dịch bệnh lây lan
Ngồi ở lối vào của ga xe lửa phía Đông của Thành Đô, Fu Guobin tập trung quan sát màn hình hiển thị hình ảnh hồng ngoại về những người đi qua cổng của nhà ga. Khi mỗi người bước vào, một con số xuất hiện bên cạnh hình ảnh cho biết nhiệt độ cơ thể của họ.
Với mật độ hơn 50.000 người qua lại nhà ga nơi Fu làm việc, thật khó xác định nhanh chóng và chính xác những người có thể bị sốt - một trong những triệu chứng chính của Covid-19.
Chiếc máy Fu quan sát thường ngày là một trong rất nhiều máy quét nhiệt được lắp đặt tại các ga tàu ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Đây chỉ là một trong những giải pháp AI và dữ liệu lớn (Big Data) mà các nhà chức trách đang sử dụng để chống lại loại virus chết người.
Vào ngày 7/2, công ty AI Megvii cho biết đang nghiên cứu một giải pháp tích hợp bao gồm: phát hiện cơ thể, nhận diện khuôn mặt và cảm biến kép thông qua camera hồng ngoại. Thiết bị này có thể giúp nhân viên làm việc tại sân bay và nhà ga nhanh chóng xác định những người có nhiệt độ cơ thể cao.
Zeng Yixin, Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết nhận dạng khuôn mặt và hệ thống tên thật sẽ giúp họ theo dõi những người có khả năng tiếp xúc với virus và hạn chế hiệu quả sự lây lan của mầm bệnh. Công nghệ này chưa được phát triển trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc được cho là đã thiết lập hệ thống giám sát quy mô và phức tạp nhất trên thế giới. Ngoài hệ thống tên thật - yêu cầu mọi người sử dụng căn cước để mua SIM di động, đăng ký tài khoản mạng xã hội, đi tàu, lên máy bay…, nhà chức trách cũng lắp đặt khoảng 200 triệu camera an ninh trên toàn quốc để giám sát, xử lý tiêu cực. Một số máy ảnh này được trang bị công nghệ nhận dạng khuôn mặt.
Công ty viễn thông China Mobile đã gửi nhiều tin nhắn văn bản (SMS) về những người được xác nhận nhiễm virus. Chúng thường bao gồm thông tin về lịch sử đi lại của bệnh nhân, thậm chí chi tiết tới từng chỗ ngồi, khoang tàu, thời gian.
Trong những ngày đầu bùng phát Covid-19, các phương tiện truyền thông đăng thông tin này trên mạng xã hội để mọi người biết họ có tiếp xúc gần với những bệnh nhân đã được xác nhận hay không và tự cách ly nếu cần thiết.
Chính phủ hiện đã triển khai một ứng dụng di động có tên “Close Contact Detector” để mọi người thực hiện việc này. Sau khi nhập các chi tiết nhận dạng cá nhân, người dùng có thể quét mã QR để kiểm tra xem họ có tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh hay không và liệu họ có nguy cơ cao hay không. Trong khi đó, một số công ty yêu cầu nhân viên nộp “báo cáo xác minh hành trình” do các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp.
Tiến sỹ Cecile Viboud, nhà khoa học thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tin rằng Big Data có thể giúp chính phủ dự đoán hiệu quả diễn biến của một dịch bệnh. Để làm được điều đó, họ cần thu thập các bộ dữ liệu giám sát khác nhau. “Trung Quốc sở hữu hệ thống giám sát toàn diện, chứng minh sự hữu ích khi thu thập dữ liệu cần thiết”, bà nhận xét.
Dù vậy, hoạt động thu thập thông tin cá nhân để kiểm soát dịch bệnh cũng nên tôn trọng “quy tắc tối giản” và tránh lạm dụng. Điều đặc biệt quan trọng là không có thông tin nào bị rò rỉ và tất cả dữ liệu đều bị xóa sau khi sử dụng, Qiu Baoching – luật sư tại Bắc Kinh về quyền riêng tư – nêu quan điểm.
Thái Hoàng