Với mọi ngành công nghiệp phát triển nội dung, ông Niccolo de Masi, CEO của Glu Mobile, tin rằng cấu trúc trưởng thành của game mobile sẽ liên quan tới rất nhiều “người khổng lồ” và vô số các công ty độc lập. Khả năng cao sẽ có những nhà khởi nghiệp ngay lập tức tiến tới trở thành doanh nghiệp độc lập thành công, và sau đó được mua lại bởi các công ty lớn hơn với hy vọng được gia nhập tầng lớp “ông lớn”. Lớp này sẽ có ảnh hưởng tới đa thể loại, đa địa lý, và “ông lớn” đầu tiên cũng đã thực sự xuất hiện.
Loại hình thương mại đang thắng thế trong game mobile toàn cầu chính là mô hình “free-to-play” – nó trở nên bất khả chiến bại trong việc vươn tới và xây dựng sức mạnh thương hiệu. Không có bất kỳ rào cản nào trong việc tận hưởng nội dung đồng nghĩa là lượng người tiêu dùng của một thương hiệu nổi tiếng có thể đạt mức khổng lồ. Nó cũng có thể được cho là cơ chế chuyển đổi tiền tệ hiệu quả nhất mà thế giới game từng chứng kiến khi cho phép người chơi tự tạo ra những con đường tắt trong quá trình thăng tiến bằng tiền bạc nếu họ chỉ có quỹ thời gian hạn hẹp.
Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm loại hình kinh doanh này từ một thập kỷ trước. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng và đi ngay theo sau. Họ đã nuôi dưỡng và chuyển đổi lợi thế chuyển hướng sớm này thành mô hình lâu dài, và đang thể hiện rõ nét qua số lượng công ty mobile game công lập trong khu vực. Xấp xỉ 75% các công ty game mobile công lập đều được thành lập và đặt trụ sở chính ở Châu Á. Lớn nhất trong số đó chính là Tencent, gã khổng lồ có giá trị thị trường lên tới 166 tỷ USD, công ty này đã kết hợp nền tảng và phát triển nội dung một cách xuất sắc để tạo nên một chu trình phát triển tích cực trong suốt 15 năm qua.
Giá trị thị trường của Tencent hiện tại lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ công ty game công lập nào. QQ, WeChat và các nền tảng dịch vụ khác tạo ra một lượng người sử dụng bền vững, và từ đó nó đã trở thành gần như một “siêu nền tảng” độc tôn ở Trung Quốc, giống như vai trò mà Apple và Google nắm giữ ở các nơi khác. Sức mạnh phân phối của Tencent khiến họ trở thành ông vua sản xuất trong thị trường game Trung Quốc – một vị trí được gia cố bằng cách nắm giữ phần lớn lợi nhuận của bất kỳ công ty phát triển game bên ngoài nào họ hợp tác cùng.
Hơn nữa, Tencent cũng sở hữu các studio game nội bộ và đã bắt đầu mở rộng ra một vài vùng lãnh thổ bên ngoài. Để tạo nên một doanh nghiệp có thế lực khổng lồ như Tencent ở Trung Quốc trên thị trường phương Tây. chúng ta có lẽ phải hình dung tới chuyện Facebook mở riêng một bộ phận phát triển game.
Ông Niccolo tin rằng Tencent sẽ có đủ khả năng vận dụng sức mạnh tài chính và phân phối của mình ở Trung Quốc để thâu tóm các vị trí lãnh đạo ở nhiều khu vực khác. Hiện nay, Tencent đã mua lại quyền sở hữu công ty MMO được cho là lớn nhất ở phương Tây, Riot Games và cũng đã có nắm cổ phần trong Activision. Họ còn sở hữu một lượng nhỏ cổ phần của vô số các công ty game Trung Quốc và quốc tế khác nữa. Qua thời gian, rất có khả năng họ sẽ chuyển hóa lượng cổ phần nhỏ đó thành lượng cổ phần lớn, một kế hoạch phát triển cẩn trọng nhưng liên tục ở mọi thị trường game lớn.
Một chiến lược tương tự nhưng trên quy mô nhỏ hơn cũng đang được nhiều công ty internet và game hàng đầu Châu Á áp dụng. Ví như Alibaba đã mua 10% cổ phần của Kabam, Gung-Ho đã mua phần lớn cổ phần của Supercell, còn DeNa và GREE đã giành được vị trí cạnh tranh thuận lợi ở thị trường Bắc Mỹ.
Alibaba, Softbank, và Tencent đều là những công ty Châu Á có giá trị trên 100 tỷ USD, có đủ tiềm lực kinh tế để trở thành tập đoàn game lớn nhất toàn cầu. Alibaba đang có một đế chế vận hành game khá khiêm tốn so với Tencent, nhưng lại sở hữu nhiều lợi thế khác để có thể sinh lợi nhuận. Softbank rõ ràng lại có tiềm năng huy động vốn hơn cả với nhiều công ty lép vốn phụ thuộc ở cả Mỹ và Nhật Bản, bên cạnh đó là còn sở hữu lượng cổ phần đáng kể ở Gung-Ho và Alibaba.
Những công ty khác sẽ cố gắng theo chân họ, và thỉnh thoảng sẽ cần phải cắt giảm chi phí. Nhưng ông Niccolo tin rằng xu hướng này đã quá rõ ràng, tiền vốn và khả năng mở rộng phần lớn đang chảy từ Đông sang Tây chứ không phải chiều ngược lại giống như trước đây.
Cuối cùng ông Niccolo tin rằng trong tương lai sẽ có rất nhiều “ông lớn” trong thị trường game mobile, với lí lịch và danh mục sản phẩm đa dạng. Những công ty sáng tạo nội dung lớn hơn có thể sẽ được tạo ra thông qua quy trình mua bán và sát nhập giữa những công ty công lập phương Tây.
Nhưng ông Niccolo tin rằng để thực sự thúc đẩy nhanh chóng chuỗi giá trị cho bất kỳ doanh nghiệp game phương Tây nào, họ cần phải phối hợp sáng tạo nội dung với sự phân bố và/hoặc biến đổi nền tảng. Nếu không có những hành động thiết thực về lâu về dài, chúng ta sẽ dần được chứng kiến hầu hết những công ty game phương Tây bị ép hợp tác hoặc nuốt chửng bởi những "người khổng lồ" ở phương Đông.