Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Trong các quan điểm chỉ đạo Nghị quyết đưa ra có nêu rõ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá…
Nghị quyết cũng đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao.
Đồng thời, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn…
Đến 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD
Về các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Trung ương đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.
Tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%; tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%; đạt khoảng 260 sinh viên trên một vạn dân.
Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam phấn đấu thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỉ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%.
Giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, chế biến bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP, trong đó du lịch đạt 14 - 15% GDP.
Trung ương đặt mục tiêu hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại...
Đến năm 2030, tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; hoàn thành xây dựng chính phủ số, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.
Ngoài ra, Trung ương cũng đưa ra tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%; phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên (đất, nước, khoáng sản), tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu ASEAN; chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) đạt trên 55. Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Trung ương đưa ra mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững
Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Trung ương xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững…
Trung ương yêu cầu xây dựng khung pháp luật cho phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, các chính sách thí điểm, đặc thù cho các hoạt động phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số và nền tảng số.
Cùng với đó là thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để xã hội hoá, thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Trung ương cũng lưu ý, sử dụng hiệu quả chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất.