Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) và nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Màu hoa đỏ” lần thứ 15 năm 2022 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, ngày 23/7, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Tham dự đoàn dâng hương có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình “Màu hoa đỏ”; Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng cán bộ lãnh đạo, nhân viên của Báo.
Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị; đồng chí Hồ Đại Nam Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi an nghỉ của 10.333 liệt sĩ trong cả nước, chủ yếu là liệt sĩ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phần lớn các liệt sĩ tại nghĩa trang này là con em của các tỉnh, thành phố phía bắc. Với tổng diện tích 140.000m2, đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất thể hiện lòng tiếc thương sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Trong không khí linh thiêng, trước anh linh của các anh hùng, liệt sĩ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn kính cẩn dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Tiếp đó, đoàn đã đến dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tiền thân là Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Đông Hà) được xây dựng từ năm 1983-1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng Quốc lộ 9. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là một trong hai nghĩa trang lớn nhất cả nước, và là nơi yên nghỉ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây có 3.227 mộ liệt sĩ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh, thành, có 785 mộ xác định chưa đầy đủ, còn lại chưa rõ tên tuổi.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng, liệt sĩ, đoàn lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Cũng trong sáng nay, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác đã tới dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Thành Cổ Quảng Trị tọa lạc tại thị xã Quảng Trị. Đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã hy sinh xương máu, ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Xuyên suốt 81 ngày đêm từ 28/6/1972 đến 16/9/1972, thị xã Quảng Trị được ví như một túi bom, bình quân mỗi ngày địch huy động khoảng 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Dưới mưa bom, bão đạn khốc liệt của kẻ thù, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào.
Qua gần 3 tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường, các lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược được giao, làm thất bại ý đồ nhanh chóng “tái chiếm Thành Cổ” của Mỹ - Ngụy, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh chính trị, ngoại giao. Các anh hùng chiến sỹ đã ngoan cường chiến đấu, không rời trận địa, quyết bảo vệ trận địa đến hơi thở cuối cùng.
Cũng trong 81 ngày đêm đầy ác liêt hào hùng ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây mà chưa tìm được hài cốt. Xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Hàng vạn chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi.
Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam