Chiều 5/12, các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề về Nghị quyết 28 “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Theo bà Trương Thị Mai, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Bà Trương Thị Mai thông tin, nhiệm kỳ XI (2011-2016) đã thi hành kỷ luật 56.572 đảng viên, trong đó khiển trách 36.754, cảnh cáo 15.008, cách chức 2.477, khai trừ 2.333 đảng viên.
Sang nhiệm kỳ XII (2016-2021) có số đảng viên bị kỷ luật cao hơn. Cụ thể, đã thi hành kỷ luật 93.207 đảng viên, trong đó khiển trách 65.647, cảnh cáo 17.217, cách chức 2.496, khai trừ 7.847 đảng viên.
“Nội dung vi phạm chủ yếu là việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phẩm chất đạo đức, lối sống; giữ gìn đoàn kết nội bộ; vi phạm những điều đảng viên không được làm; tham nhũng, cố ý làm trái; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo…”, bà Trương Thị Mai cho hay.
Tại hội nghị, bà Trương Thị Mai cũng đề cập đến việc thực hiện Quy định 41 về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, qua hơn 2 tháng thực hiện Thông báo 20, có 3 cán bộ thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác.
Bổ nhiệm cán bộ chỉ dựa trên hồ sơ thì không đánh giá được thực chất
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết, Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” phải được vận hành thông suốt.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng cơ quan, tổ chức; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, theo bà Trương Thị Mai, Trung ương yêu cầu hoàn thiện cơ chế bảo đảm kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, nhất là trong các cơ quan quản lý nhà nước, những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, dễ lạm dụng quyền lực.
Trong công tác cán bộ phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.
Bà Trương Thị Mai cũng đề cập đến việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
“Sắp tới sẽ có chính sách riêng để sử dụng, trọng dụng nhân tài tốt hơn, làm sao cán bộ trẻ có năng lực nổi trội có thể đi nhanh hơn, bảo đảm đóng góp cho Đảng, cho đất nước”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Đi cùng với trọng dụng nhân tài, Trung ương yêu cầu thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.
Giải pháp nữa được bà Trương Thị Mai đề cập là đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều. Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bổ nhiệm một cán bộ mà chỉ dựa trên hồ sơ thì không đánh giá được thực chất.