Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp các trường đại học theo hướng cơ bản giữa ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô các trường. Cả nước sẽ có khoảng 250 đại học, trường đại học; 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở đầu mối định hướng theo các vùng. 

Cả nước có 30 đại học trường trọng điểm quốc gia, trong đó 5 ĐH Quốc gia và 5 ĐH vùng. 18-20 trường đại học trọng điểm quốc gia, trong đó, mỗi lĩnh vực, ngành có 1 đến 2 trường đại học. Bộ GD-ĐT hiện đã đưa ra 18 trường quy hoạch trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 gồm:

TRƯỜNG TRỌNG ĐIỂM NGÀNH QUỐC GIA LĨNH VỰC
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Giáo dục và Sư phạm
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM  Giáo dục và Sư phạm
Trường ĐH Y Hà Nội Y Dược
Trường ĐH Y Dược TP.HCM Y Dược
Trường ĐH Luật Hà Nội Pháp luật
Trường ĐH Luật TP.HCM Pháp luật
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Kinh tế và Tài chính
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Kinh tế và Tài chính
Trường ĐH Hàng hải Việt Nam Giao thông - Vận tải- Kinh tế biển
Trường ĐH Giao thông Vận tải  Giao thông - Vận tải 
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Xây dựng - Kiến trúc
Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nông nghiệp
Học viện Báo chí và Tuyên truyền  Báo chí - Truyền thông
Học viện Bưu chính Viễn thông Thông tin - Truyền thông 
Học viện Hành chính quốc gia Hành chính công
Học viện Tài chính Tài chính
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Nghệ thuật
Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Nghệ Thuật

Cũng theo Bộ GD-ĐT sẽ có khoảng 100 trường đại học đầu mối khác trực thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương. Ít nhất 70 trường đại học tư thục bao gồm cả trường hoạt động không vì lợi nhuận và có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ nay tới năm 2030 sẽ củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn theo các phương án như: Tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một trường có có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.

Theo Bộ GD-ĐT, cơ bản không thành lập trường đại học công lập mới, trừ các trường hợp cần thiết thành lập tại một số vùng có mức độ tiếp cận đại học thấp cụ thể Tây Bắc Bộ (1) Đông Bắc Bộ (1)  Tây Nguyên (1) Đồng bằng sông Cửu Long (1). Thực hiện tổ chức lại một số trường đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc các cơ quan trung ương đã được phép đào tạo các trình độ đại học hoặc đã có chủ trương thành lập được cấp có thẩm quyền quyết định còn thời hạn cho đến thời điểm Quy hoạch này có hiệu lực thi hành.

Đối với các phân hiệu của các trường trong giai đoạn tới năm 2030, sẽ đình chỉ hoạt động đào tạo của phân hiệu, cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc chưa hoàn thành xác lập vị trí pháp lý trước năm 2028; sáp nhập hoặc giải thể các phân hiệu không đạt chuẩn trước năm 2030.

Bộ sẽ cho phép thành lập phân hiệu trong các trường hợp như thành lập từ các cơ sở đào tạo đang được phép hoạt động hoặc chuyển giao phân hiệu từ một trường đại học khác đang được phép hoạt động, hoặc trên cơ sở sáp nhập trường cao đẳng sư phạm.

Cũng theo dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ mở rộng không gian phát triển của các trường đại học tại địa phương lân cận hoặc tại địa phương chưa đào tạo nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và của vùng; thành lập phân hiệu của trường đại học tư thục, trường đại học nước ngoài có uy tín tại các địa phương, khu vực không hạn chế phát triển.

Sẽ xóa sổ 38 trường cao đẳng đào tạo sư phạm

Sẽ xóa sổ 38 trường cao đẳng đào tạo sư phạm

Hiện, cả nước có 103 trường đào tạo sư phạm, dự kiến đến năm 2030 sẽ giảm hơn một nửa, chỉ còn khoảng 50 trường. Cũng theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, sẽ sáp nhập 38 trường cao đẳng sư phạm và cao đẳng đa ngành có đào tạo sư phạm.