Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 được Bộ GD-ĐT ban hành có nhiều điểm mới, trong đó yêu cầu các trường đại học không dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm. Ông Trần Văn Tuyến, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, cho hay nhìn vào mặt tích cực, việc Bộ giới hạn chỉ tiêu sẽ giúp lựa chọn thí sinh đầu vào có năng lực đặc biệt, xuất sắc. Với đầu vào tốt, các trường ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, nhờ vậy chất lượng đầu ra cũng sẽ đảm bảo.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những trường ngoài công lập, xét tuyển sớm vốn là căn cứ để trường chắc chắn hơn trong việc tuyển đủ số lượng tuyển sinh đã công bố trong đề án. Nếu chỉ giới hạn trong 20% và không được gọi vượt, như vậy các trường đang bị “siết chặt lại” so với năm trước và sẽ rất chật vật để tuyển đủ.

Với yêu cầu xét tuyển học bạ phải sử dụng điểm cả năm lớp 12, nếu thành hiện thực, các trường không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố sớm như hiện nay. Theo ông Tuyến, điều này có điểm tích cực là giúp học sinh tập trung vào chương trình trong những tháng cuối cấp. Song với các trường vốn dành tỷ lệ xét tuyển sớm chủ yếu theo phương thức học bạ, chẳng hạn chiếm tới 40-50%, sẽ gặp khó khăn liên quan đến cả hai điểm mới này vì không thể xét tuyển sớm theo phương thức ấy.

Đồng quan điểm, đại diện một trường kinh tế cho hay nếu áp quy định chỉ tiêu không vượt quá 20% cho xét tuyển sớm sẽ làm khó nhiều trường đại học, nhất là những trường thuộc top dưới.

Còn theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TPHCM, nếu giới hạn xét tuyển sớm chỉ còn 20% sẽ khó cho các trường, nhất là trong bối cảnh hiện tại, nhiều trường có tỷ lệ xét tuyển sớm cao lên tới 70-80%.

Do đó, vị này cho rằng Bộ GD-ĐT không nên bắt buộc cứng số chỉ tiêu xét tuyển sớm mà chỉ nên khuyến cáo, do hiện tại các trường cũng đã dự kiến về chỉ tiêu xét tuyển sớm như bằng học bạ THPT, điểm đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng theo đề án của trường...

“Tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường đại học sẽ phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung. Điều đó gây ra tình trạng dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu.

Chẳng hạn tỷ lệ nhập học ở Trường ĐH Công Thương TPHCM khoảng 20-30% số lượng trúng tuyển, theo các phương thức. Nếu dự đoán sai, tỷ lệ nhập học tăng lên cũng không được, còn nếu tỷ lệ nhập học giảm cũng rất gay go cho trường”, ông Sơn nói.

w hoc sinh le quy don dong da 79.jpg
Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Phạm Hải

Về yêu cầu điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ và các trường phải quy điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp về thang chung, theo ông Sơn điều này có chút vấn đề. “Điểm chuẩn cao hơn hoặc bằng với điểm thi tốt nghiệp THPT là điều không thể, do mỗi phương thức sẽ có cách đánh giá khác nhau, nếu quy đổi chỉ là gượng ép”, ông Sơn nói.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng cho rằng yêu cầu quy về thang điểm chung “khó và rối rắm”.  Chưa kể với những trường có ngành đặc thù đào tạo, tiêu chí lựa chọn thí sinh phù hợp cũng khác nhau, nếu quy theo thang điểm chung sẽ rất phức tạp.

“Hiện nay, các trường có rất nhiều phương thức xét tuyển. Để tìm ra công thức quy đổi phù hợp cũng không dễ. Chưa kể, với những ngành lấy điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT cao gần tuyệt đối, việc quy điểm IELTS, SAT sẽ ra sao, không lẽ thí sinh cần phải đạt suýt soát 9.0/9.0 IELTS, 1600/1600 SAT. Điều đó là không thể”, ông nói.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, lý giải khi tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành được xét dựa trên thang và điểm chuẩn chung sẽ tạo ra công bằng. Cơ hội trúng tuyển của những em có năng lực thực sự tăng lên..

Đối với các trường, sửa đổi này nhằm làm tăng trách nhiệm, buộc các trường phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp, phương thức mà không có căn cứ giải thích.

Về việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20%, theo bà Thủy, điều này nhằm tập trung tuyển thí sinh có năng lực và thành tích vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ II năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT, tạo sự công bằng vì không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.

tuyensinh.jpg