Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết nhà trường đã biết những luồng ý kiến khác nhau về Luận án tiến sĩ ngành Công nghệ dệt, may có tiêu đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngưc nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.
PGS.TS Phan Thanh Thảo khẳng định đây là đề tài chuyên ngành về công nghệ dệt, may có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.
Theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, đề tài có tính cấp thiết rất lớn vì áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da… nếu giá trị áp lực của áo ngực lên cơ thể trong thời gian dài và lớn hơn mức chịu đựng của con người.
Hiện nay trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được công bố về đo lường các kích thước ngực, phân loại ngực nữ; xây dựng hệ thống cỡ số áo ngực, đo lường áp lực của áo ngực, ảnh hưởng của các loại vật liệu, cấu trúc thiết kế của áo ngực tới áp lực và độ vừa vặn, độ tiện nghi của áo ngực nữ đã được thực hiện trên các nhóm phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau ở các nước như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Với nội dung nghiên cứu của luận án này, NCS Lưu Thị Hồng Nhung cũng đã có 8 công trình nghiên cứu được công khai trong nước và quốc tế trong đó có 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước) và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt nam 2020.
Trong đó, nội dung của các bài báo đều phản ánh kết quả của luận án. Vấn đề nghiên cứu này còn rất mới, hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ cho người mặc trong quá trình thiết kế và sản xuất áo ngực.
Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang nhấn mạnh nghiên cứu về áo ngực và phần ngực phụ nữ đã là vấn đề có tính thời sự và thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong 15 năm qua ở nhiều quốc gia trên thế giới với các từ khóa nổi bật như: “bra - áo ngực”, “ breast- bầu ngực”, “ pressure comfort – độ tiện nghi áp lực"… thường được sử dụng.
Trong các luận văn, luận án, bài báo khoa học nghiên cứu về áo ngực, áo ngực thể thao có hàng trăm công trình nghiên cứu. Trong nội dung luận án NCS đã phân tích tổng hợp 132 công trình nghiên cứu và các công trình đều được trích dẫn trong phần tài liệu tham khảo của luận án.
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước có liên quan đến áo ngực, áp lực đều được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước như: Tác giả Nguyễn Quốc Toản và cộng sự đã thiết kế thiết bị đo áp lực áo ngực sử dụng cảm biến áp khí với phạm vi đo 0-14,67 kPa. Thiết bị gồm 4 đầu đo được kết nối với máy tính. Phần mềm hiển thị kết quả đo dạng biểu đồ và dạng số; Tác giả Trần Thị Minh Kiều và cộng sự đã khảo sát hình dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam lứa tuổi 18-25 và sự phù hợp hình ảnh ngoại quan của một số dạng áo ngực với các dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam. Nghiên cứu dựa trên đánh giá cảm nhận của người mặc và đánh giá chuyên gia về sự vừa vặn của cup áo ngực với các dạng bầu ngực…
Các nghiên cứu trên về đặc điểm nhân trắc và phân loại ngực nữ đã được thực hiện với nhiều lứa tuổi, phụ nữ ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ… dựa trên hình dạng hoặc một vài thông số kích thước ngực.
Theo PGS.TS Phan Thanh Thảo, tại Việt Nam, một số nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc cơ thể người và xây dựng hệ thống cỡ số cho các đối tượng khác nhau đã được thực hiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu về đặc điểm nhân trắc ngực, phân nhóm ngực nữ sinh Miền Bắc Việt Nam vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và chi tiết. Do đó, nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Miền Bắc Việt Nam đến áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực là cần thiết nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực trong quá trình thiết kế, sản xuất và lực chọn áo ngực phù hợp, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, và tổn thương cho người mặc.
Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung sẽ bảo vệ luận án nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” vào ngày 12/10 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.