Chia sẻ về lý do mở ngành học mới này, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho hay, xuất phát từ chính nhu cầu của các trường đại học, từ quan điểm xã hội đã thay đổi theo thời gian.

“Trước đây, khi ở một trình độ phát triển chưa cao, chúng ta luôn có rất nhiều vấn đề sẵn có ở trước mặt. Câu hỏi lúc đó là làm thế nào để giải quyết những vấn đề mà chúng ta nhìn thấy rất rõ. Thế nhưng khi trình độ phát triển ở một mức cao hơn, nhu cầu lại có sự thay đổi, quan điểm cũng thay đổi rất nhiều. Quan trọng là phải tìm được trước vấn đề và có giải pháp trước, chứ không phải đợi khi vấn đề phát sinh và nhìn thấy thì mới tìm giải pháp.

Ngoài ra, xu hướng giáo dục trên thế giới hiện nay cho thấy các trường top hàng đầu thế giới cũng đã có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Đến nay, tại các trường đại học hàng đầu thế giới, họ cũng phát triển các ngành phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh”, bà Hương chia sẻ.

Bà Hương cho biết thêm, thời gian qua, Trường ĐH Ngoại thương đã kết nối với rất nhiều trường như ĐH Queensland (Úc), ĐH Keio (Nhật), các trường ở Châu Âu,... và cũng nhận thấy xu hướng đó ngày càng rõ nét trong giáo dục đại học trên thế giới.

W-img-7295-1.jpg
PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo bà Hương, không phải đến hôm nay, Trường ĐH Ngoại thương mới nghĩ ra mở ngành này, mà đã chuẩn bị cho việc này từ 3 năm trước.

“Sau 3 năm triển khai khảo sát và mở các chương trình vệ tinh thăm dò thị trường, chúng tôi thấy rằng nhu cầu từ phía người sử dụng lao động và người lao động là rất lớn”.

Như vậy, đây là lần đầu tiên, Trường ĐH Ngoại thương mở và tuyển sinh ngành công nghệ.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết thêm, Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học máy tính, khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh của trường được thiết kế nhằm mục đích cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng liên ngành; những hiểu biết sâu sắc về máy tính, công nghệ, phân tích dữ liệu, nguyên tắc kinh tế và chiến lược kinh doanh. 

Chương trình là sự kết hợp giao thoa giữa các lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ, khoa học dữ liệu, kinh tế và kinh doanh. 

W-vu-thi-hien-1.jpg
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: Thanh Hùng.

“Chương trình cử nhân Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh là chương trình đào tạo định hướng ứng dụng nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với kiến thức nền tảng về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu và kinh tế - kinh doanh; tích hợp với kiến thức, kỹ năng liên ngành, cũng như chuyên sâu trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu kinh tế - kinh doanh, lãnh đạo và quản lý kinh tế - kinh doanh, công nghệ và các lĩnh vực liên quan khác. 

Mục tiêu hướng đến là sinh viên tốt nghiệp có tư duy phản biện và khả năng đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược, năng lực lãnh đạo, khả năng ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu vào việc phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh tế - kinh doanh”, bà Hiền thông tin.