PV: Ông đánh giá thế nào về những kết quả mà đoàn TTVN đạt được tại SEA Games 32?
Ông Đặng Hà Việt: - Ở ngày thi đấu cuối cùng của SEA Games 32, chúng ta có những dấu ấn rất đáng khen ngợi khhi đô cử Nguyễn Quốc Toàn (hạng cân 89kg) phá 3 kỷ lục SEA Games, dù Toàn còn rất trẻ.
Đây là một tín hiệu rất là vui bởi cử tạ là môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Còn lại tổng thể chúng ta đạt được chỉ tiêu đề ra về thành tích, xếp nhất toàn đoàn với thành tích 136 HCV.
Về công tác tổ chức của nước chủ nhà Campuchia, ông đánh giá thế nào?
- Tại SEA Games lần này, Việt Nam hỗ trợ Campuchia rất nhiều về công tác tổ chức. Bởi vì chúng ta vừa tổ chức SEA Games 31 và bạn cũng nhờ giúp đỡ liên quan đến khai mạc, bế mạc... Để có một kỳ SEA Games 32 thành công, tôi khẳng định là trong đó có một phần công lao đóng góp của Việt Nam.
Về chuyên môn, chúng ta hỗ trợ Campuchia có thành tích tốt nhất. Ví dụ như môn Vovinam, Campuchia có 11 HCV, xếp thứ nhất toàn đoàn, còn chúng ta giành 7 HCV ở môn này. Như vậy, thể thao Việt Nam không thâu tóm những môn thể thao thế mạnh.
Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được ở các môn Olympic của đoàn TTVN?
- Ở kỳ SEA Games 32 không có những môn thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, bắn súng, rowing, canoeing... Ngoài ra, ở các môn võ như judo, karate chúng ta chỉ được đăng ký thi đấu 70% số lượng nội dung thi đấu. Chính vì vậy, đánh giá về thành tích ở các môn Olympic cần có sự toàn diện.
Đoàn TTVN giành trên 50% các HCV ở các môn thể thao Olympic. Tôi nghĩ đây là một kỳ đại hội thành công về mọi mặt của đoàn thể thao Việt Nam.
Ông có bất ngờ không khi chúng ta vượt chỉ tiêu HCV và bỏ xa Thái Lan trên bảng xếp hạng?
- Trước tiên, cần phải nói là trong thi đấu thể thao có nhiều yếu tố ảnh hưởng đối với thành tích. Tại SEA Games 32, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đặc biệt là trình độ thể thao khu vực ngày càng được phát triển rất mạnh, các nước có sự đầu tư rất lớn vì giá trị thương hiệu của SEA Games ngày càng được nâng lên rất cao.
Ngoài ra, tại SEA Games, nhiều quốc gia có chính sách nhập tịch VĐV. Đó là những nhân tố bí ẩn mà chúng ta không thể đánh giá được ngay.
Còn về việc đoàn TTVN vượt chỉ tiêu HCV đến từ sự nỗ lực hết mình và thi đấu thăng hoa của các VĐV. Chúng ta có lứa VĐV trẻ tài năng. Rất nhiều VĐV dù lần đầu dự SEA Games và còn trẻ nhưng xuất sắc giành HCV, thậm chí phá kỷ lục.
Chỉ tiêu HCV chỉ là mang tính chất dự báo, còn thực tế thi đấu còn nhiều vấn đề khác liên quan. Tôi xin nhấn mạnh lại rằng đoàn TTVN thành công về mặt kết quả.
Đâu là những dấu ấn mà ông ấn tượng nhất tại SEA Games 32?
- Chúng ta đạt thành tích tốt ở nhiều môn và có sự vượt trội so với đội đứng thứ hai là Thái Lan. Có những dấu ấn mà tôi phải khâm phục cho sự nỗ lực của VĐV, như trường hợp của Nguyễn Thị Oanh giành 2 HCV điền kinh chỉ cách nhau khoảng 20 phút, hay những bà mẹ 2 con vẫn thi đấu xuất sắc giành HCV.
Tất cả những hình ảnh đó nó mang lại có sức lan tỏa rất lớn không riêng gì các hoạt động thể thao, mà giúp cho người dân Việt Nam luôn cống hiến cho tổ quốc.
Từ thành công của SEA Games 32, ông đánh giá thế nào về cơ hội tranh chấp huy chương của đoàn TTVN tại đấu trường Asiad diễn ra vào tháng 9 tới?
- Thực sự rất khó khăn ở đấu trường Asiad bởi chúng ta có điều kiện tập luyện thiếu thốn, không có nhiều chuyên gia, HLV trình độ cao. TTVN không chỉ cần HLV giỏi, mà phải có một đội ngũ phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của VĐV, để từ đó có sự điều chỉnh.
Hiện tại chúng ta chưa có đội ngũ khoa học để hỗ trợ các VĐV. Trước mắt Việt Nam vẫn phải đi tới các trung tâm đào tạo trên thế giới để nhờ hỗ trợ, phân tích. Tuy nhiên, do việc cạnh tranh về thành tích nên họ không bao giờ phơi bày ra hết.
Vì những vấn đề nan giải đó, TTVN mới chỉ đảm bảo được thành tích ở khu vực. Còn đối với châu Á hay Olympic là một bước rất dài mà ngành thể thao sẽ phải tập trung rất lớn vào đó.
Với kỳ Asiad tới, chúng ta hy vọng tranh chấp huy chương ở bắn cung, bắn súng, đua thuyền, cử tạ, cầu mây, một số môn võ…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!