Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: Nên hướng việc đọc sách cả đời thay vì phạt từ thuở bé
Tôi không thích 'hình phạt đọc sách'. Đọc sách nên là thói quen, nếp sinh hoạt hoặc thử thách với trẻ em. Bố mẹ có thể đồng hành hoặc khuyến khích con đọc như một thử thách để nhận lại phần thưởng nho nhỏ. Các em cần được đọc sách một cách vui vẻ và sẽ chăm chỉ hơn khi có thêm món quà như que kem chẳng hạn. Tâm lý của trẻ là rất ganh đua, thích cảm giác chiến thắng và sợ hãi hình phạt.
Ban đầu, cha mẹ hãy chọn những cuốn sách con thích nhất để kích thích bé đọc rồi dần thay thế bằng một số quyển có tính giáo dục cao hơn. Khi thành thói quen, chúng sẽ tự giác làm theo.
Xây dựng văn hóa đọc là để trẻ có nền tảng, nếp sinh hoạt lành mạnh suốt cuộc đời thay vì hình phạt đọc sách chỉ nhắm vào giai đoạn chưa trưởng thành. Làm được vế đầu sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi các bậc phụ huynh phải kiên trì.
Hoa hậu Ngô Mỹ Uyên: Tùy môi trường văn hóa mới nên áp dụng phạt đọc sách
Thời tôi học đại học ở Italy không có hình phạt đọc sách mà đây là một yêu cầu bắt buộc.
Trong khi đó, hai cô em gái lúc theo học Trường Đại học Saint Mary từng chịu hình phạt này. Là hệ thống trường của Công giáo nên kỷ luật rất nghiêm, sinh viên bị phạt đọc sách như cơm bữa. Các em nhận yêu cầu đọc những quyển sách có độ dày cả nghìn trang, may mắn là được tự do lựa các thể loại nên hai đứa đã chọn Harry Potter.
Về hình phạt đọc sách, tôi cho rằng tùy thuộc vào môi trường, nền văn hóa cụ thể để ứng dụng vào phương pháp giáo dục con cái.
Tại Mỹ, trẻ em có tính tự lập cao từ rất sớm, bố mẹ khó áp đặt nhưng phạt đọc sách theo kỷ luật gia đình sẽ là ý hay. Trái lại ở Italy, hình thức này rõ ràng vô dụng, thậm chí thành trò cười vì không phù hợp với thói quen, văn hóa bản xứ.
Thời gian sống ở Việt Nam, thế hệ chúng tôi quen đọc ngấu nghiến, nâng niu từng cuốn sách có được, nhất là văn chương và thơ cũ. Tôi và các bạn thường đọc để mở mang sự hiểu biết hay đánh đố nhau kiến thức về văn học - nghệ thuật của các quốc gia châu Á.
Hiện tại, tôi nhận thấy giáo dục và phát triển văn hóa ở Việt Nam thay đổi nhiều nên hình phạt đọc sách có thể là cần thiết. Hơn nữa, ở châu Á, bố mẹ, thầy cô quen áp đặt trẻ em nên không khó để thực thi.
Riêng cá nhân tôi không áp dụng hình phạt nói trên vì hai con gái 8 và 9 tuổi rất thích đọc. Các con tự tìm sách mỗi ngày, cả sách giấy và điện tử, thường đòi cha mẹ đưa đi nhà sách hằng tuần. Vì vậy, hình phạt phù hợp khi các bé phạm lỗi là tịch thu iPad và cắt giảm giờ đọc.
Ca sĩ Tùng Dương: Phạt đọc sách có thực sự hữu ích?
Là một người cha, tôi nghĩ mọi hình thức phạt gây hoảng loạn đều không nên áp dụng với trẻ em. Phạt roi, lao động, úp mặt vào tường... không khuyến khích thì phạt đọc sách cũng vậy.
Thử đặt mình vào trường hợp đứa trẻ bị phạt đọc sách, tâm lý ức chế chúng sẽ thu được chút kiến thức nào? Khi người lớn biến đọc sách thành hình phạt, các cháu đâm ra bị ám ảnh, từ đó còn sợ đọc hơn. Tôi không cho đây là phương pháp hữu ích.
Cá nhân tôi không áp dụng những hình phạt nghiêm khắc, thay vào đó giúp con nhìn thấy khuyết điểm và sửa lỗi. Phạt đọc sách quá dễ nhưng giúp cháu vui vẻ, tự nguyện làm mới khó. Hai tâm thế hoàn toàn khác nhau.
Tôi không ủng hộ hình phạt đọc sách, nói rộng hơn là những gì không mang đến cho con tôi trạng thái tích cực để tiếp thu kiến thức.
Bài 3: Trở thành nhà văn best seller từ hình phạt đọc sách
Tùng Dương: Nghệ sĩ trích dẫn kiến thức sai là hơi liều!
"Việc phát ngôn, nhận định thường mang tính cá nhân nên hãy khoan phán xét đúng sai nhưng khi bạn trích dẫn kiến thức mà để sai, lỗi thì quả là hơi liều!", Tùng Dương nói.