Theo nhà trường “Khoản nợ học phí” được nhắc đến thực chất là số tiền đầu tư giáo dục nhà trường ký kết với phụ huynh thông qua Hợp đồng đầu tư giáo dục và sẽ được hoàn trả lại sau 5 - 15 năm học sinh theo học tại trường.
Trước đây, nhà trường cung cấp chương trình đào tạo chính khóa miễn phí cho học sinh và hoàn trả số tiền đầu tư giáo dục đúng hạn. Tuy nhiên, thời gian sau này, trường gặp nhiều khó khăn nên chậm trễ trong việc hoàn trả cũng như chưa có kênh thông tin trao đổi kịp thời đến phụ huynh.
“Trước tiên, tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến phụ huynh vì đã chậm trễ trong việc lên kế hoạch và phản hồi các thông tin liên quan đến quá trình thực hiện hoàn trả theo hợp đồng đầu tư giáo dục trong thời gian qua”- thông báo của bà Nguyễn Thị Út Em - Chủ tịch HĐQT Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam, nêu. Đại diện trường nhấn mạnh, phụ huynh có thể cảm thấy lo lắng, bức xúc và bà xin nhận tất cả trách nhiệm về việc này.
Do ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm đại dịch Covid-19 vừa qua, nhà trường chịu những tổn thất rất nặng nề. Thời điểm doanh nghiệp phải cắt giảm lương thưởng, trường vẫn chi trả lương và các phúc lợi như chi phí nhà cửa, ăn ở, vé máy bay (chuyển sang tiền mặt)... đầy đủ cho người lao động trong và ngoài nước. Phần lớn nhân viên của trường là lao động nước ngoài.
“Chúng tôi thừa nhận thiếu sót trong cách quản trị tài chính với những giải pháp mang tính chất tạm thời, chưa tính toán kỹ lưỡng. Chúng tôi phải đối mặt với các khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây”.
Sẽ thương lượng với phụ huynh
Theo thông báo của bà Út Em, Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam đang đẩy mạnh việc tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính nhằm đảm bảo được hai mục tiêu, đảm bảo chất lượng giảng dạy và ổn định tài chính lâu dài.
Trường đưa ra 5 bước cụ thể để giải quyết vấn đề. Trường đang chờ báo cáo đánh giá kiểm toán độc lập của bên thứ ba để làm cơ sở cho việc đàm phán với các tổ chức tài chính, tái cấu trúc lại toàn bộ các khoản nợ. Dự kiến việc tái cơ cấu sẽ được hoàn tất chậm nhất trong quý 1/2024.
Xây dựng các phương án, cơ chế giải quyết công nợ và thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoàn tất việc hoàn trả gói đầu tư giáo dục cho phụ huynh với phương thức trả dần sau khi tái cấu trúc như đã đề cập ở trên.
Trường cũng thiết lập quy trình tiếp nhận thông tin, trao đổi thương lượng với phụ huynh và đảm bảo việc học tập giảng, dạy cho giáo viên và học sinh. “Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ, thương lượng và đối thoại trực tiếp đối với từng phụ huynh để giải quyết cụ thể và có kết quả”.
Nhà trường sẽ thành lập một bộ phận chuyên trách cho công tác giải quyết công nợ theo quy trình và các cơ chế đã được thiết lập. Ngoài ra, trong thời gian tới, các cơ quan ban ngành sẽ hỗ trợ kiểm tra để làm sáng tỏ tình trạng tài chính và hoạt động của nhà trường, kết quả kiểm tra sẽ được thông báo đến toàn thể phụ huynh.
Hiện Trường Quốc Tế Mỹ Việt Nam có hơn 1.400 học sinh, hơn 200 giáo viên nước ngoài và Việt Nam cùng 300 nhân viên trong nước.
Phụ huynh căng băng rôn đòi nợ chủ trường quốc tế có học phí hơn 700 triệu đồng