Tại phiên họp về kết quả phát triển kinh tế xã hội quý 1 do UBND TP.HCM tổ chức chiều 2/4, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông tin mới nhất về tình hình trường Quốc tế Mỹ (AISVN).
Ông Hiếu cho hay, AISVN là trường tư thục được kêu gọi góp vốn và vay vốn từ phụ huynh. Trường có ba cách huy động tiền. Thứ nhất là, phụ huynh đóng gói 4 tỷ để con học từ lớp 1 đến 12. Sau khi con tốt nghiệp hoặc chuyển trường, họ sẽ được trả lại. Thứ hai là phụ huynh đóng gói 2 tỷ cho con học trọn khóa và không được hoàn lại. Cuối cùng là phụ huynh có thể chọn đóng theo tiến độ học tập của con em.
Theo ông Hiếu, sau thời gian hoạt động và vận hành, trường Quốc tế Mỹ báo lỗ từ 2008 đến nay. Đỉnh điểm vừa qua, nhà trường không có tiền để trả lương, bảo hiểm cho giáo viên nên họ nghỉ dạy. Có thời điểm tới 50% giáo viên của trường đã nghỉ dạy.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin rằng, khi sự việc xảy ra, Sở nhiều lần xuống trường yêu cầu giải quyết sự việc, nhưng phía trường loanh quanh hứa hẹn. Trường hứa trong thời gian nghỉ xuân từ 25-30/3 sẽ có nhà đầu tư mới, có nguồn tiền mới để hoạt động lại từ 1/4.
"Thế nhưng rốt cuộc không có nhà đầu tư vào"- ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, hiện Sở đã thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết sự việc và thành lập tài khoản đồng sở hữu gồm Sở GD-ĐT, phụ huynh và nhà trường để cùng giám sát hoạt động chi.
Sở cũng đã lấy ý kiến của phụ huynh. Có hơn 1.000 phụ huynh đồng ý cho con đi học lại, nhưng tới thời điểm hiện nay mới 512 phụ huynh đồng ý và đóng số tiền 21,8 tỷ đồng để chi trả lương cho giáo viên. Dự kiến ngày 4/4 (thứ 5), học sinh trường Quốc tế Mỹ sẽ đi học trở lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho rằng giải quyết vấn đề của trường Quốc tế Mỹ hiện nay phải trên tinh thần có kế hoạch căn bản và lâu dài. Tổ công tác, Sở GD-ĐT cùng nhà trường phải đánh giá, có đề xuất và thông báo rõ ràng cho phụ huynh, giáo viên.
Với những phụ huynh có nguyện vọng chuyển con em sang trường khác thì xem xét có định hướng ưu tiên cho họ. Mặt khác, phải làm việc với chủ đầu tư để xem xét sắp tới trường có hoạt động hay không? Hoạt động thì cần những điều kiện gì, nếu hoạt động thì tái cơ cấu thế nào? Kêu gọi nhà đầu tư thế nào phải thông tin để giáo viên và phụ huynh yên tâm. Xử lý các quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên nhà trường thế nào, cần mời các cơ quan chức năng có ý kiến chính thức về vụ việc.
Ông Mãi đề nghị văn phòng UBND TP và Sở GD-ĐT xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước đối với trường Quốc tế Mỹ nói riêng và hệ thống trường tư thục nói chung. Phát hiện sớm những sơ hở để chấn chỉnh theo đúng quy định.
"Chấn chỉnh là để các trường hoạt động đúng quy định, bảo đảm quyền lợi người học, tránh trường hợp hoạt động không đúng cam kết, dẫn đến quyền lợi người học bị ảnh hưởng"- Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Đối với trường Quốc tế Mỹ, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, sẽ khó có phương án giải quyết toàn vẹn, nhưng phải có phương án tốt nhất, hoặc ít xấu nhất. “Tập trung giải quyết vụ việc để làm sao chậm nhất thứ hai tuần sau học sinh phải trở lại trường học”- ông Mãi yêu cầu.
Trường Quốc tế Mỹ huy động 3.600 tỷ đồng Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trường Quốc tế Mỹ huy động vốn qua ba dạng hợp đồng. Thứ nhất, dạng hợp đồng đồng hành. Dạng này có 6 hợp đồng với phụ huynh. Dạng thứ hai là hợp đồng hoàn lại với 1.231 hợp đồng, tương ứng với số tiền 3.600 tỷ. Dạng thứ 3 là hợp đồng trọn khoá không hoàn lại với 224 trường hợp, tương ứng với số tiền 442 tỷ. Khi làm việc với tổ công tác của Sở GD-ĐT, phía trường Quốc tế Mỹ cho biết, họ đã trả lại tiền 740 tỷ cho phụ huynh, tương ứng 328 hợp đồng. |